Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 23-8 ký văn bản đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn và hoàn thành trong ngày 25-8.
Ngưng một số quy định để sửa đổi
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo NHNN căn cứ Luật NHNN, Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư số 06, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp (DN), các TCTD, người dân. Cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này, nhằm nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân; ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô…
Một dự án chung cư thương mại ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị cất nóc .Ảnh: THẢO NGUYỄN
Ngay trong ngày 23-8, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đã có cuộc họp giữa các đơn vị liên quan và lãnh đạo một số NH thương mại để lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 06: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 quy định về hoạt động cho vay.
Theo dự thảo mới, từ ngày 1-9, Thông tư 06 vẫn có hiệu lực thi hành trừ các quy định: TCTD không cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom; quy định TCTD không cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh… và không cho vay để bù đắp tài chính.
Lãnh đạo của một NH thương mại có trụ sở chính Hà Nội nhận định NHNN ngưng thi hành các quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 để xem xét điều chỉnh là hợp lý vì nếu thực thi ngay sẽ hạn chế một số đối tượng tiếp cận vốn NH.
Để hạn chế rủi ro tín dụng, lãnh đạo nhiều NH thương mại khác khuyến nghị Thông tư 06 chỉ nên cấm cho vay đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cho vay để đảo nợ. Đối với các các lĩnh vực không khuyến khích như cho vay bất động sản (BĐS) thì NHNN có thể giới hạn tỉ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp hoặc tỉ lệ cho vay trên tổng dư nợ tín dụng…
Trong khi đó, giám đốc một chi nhánh NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ở TP HCM cho hay lâu nay, không ít khách hàng mượn tiền của người thân để mua nhà rồi thế chấp căn nhà đó để vay vốn NH nhằm trả lại số tiền mà họ đã mượn. Đây là một phương thức cho vay bù đắp tài chính đã được nhiều NH áp dụng hàng chục năm qua, tạo điều kiện cho không ít người dân an cư lập nghiệp. Vì thế, Thông tư 06 cần điều chỉnh, sửa đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thừa nhận các quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 khiến nhiều DN kinh doanh tốt, sử dụng vốn đúng mục đích không tiếp cận được vốn. Vì thế, thông tư này cần được nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng tách bạch từng đối tượng được và không được vay vốn NH.
Làm rõ đối tượng được vay
Là một trong những tổ chức lên tiếng mạnh mẽ về những quy định bất cập tại Thông tư 06 từ khi ban hành, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã liên tục có văn bản kiến nghị sửa đổi Thông tư 06 để góp phần "chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS". Mới đây nhất, ngay sau hội nghị với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17-8, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, một lần nữa gửi văn bản đề nghị NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 06 theo hướng bỏ "khoản 8 điều 8" quy định TCTD không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom". Bởi theo ông, quy định này chưa bảo đảm tính bình đẳng giữa đa số các DN, gây khó cho quá trình tái cơ cấu thị trường.
Tương tự, HoREA kiến nghị sửa đổi quy định khoản 9 điều 8 theo hướng TCTD được cho vay đối với nhu cầu vốn "để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện" thay vì "dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh". Bởi, khi có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn, chủ yếu là chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo lập quỹ đất dự án. Đến giai đoạn thực hiện dự án cũng là lúc chủ đầu tư cần vốn nhất. Còn đến giai đoạn hoàn thành đưa dự án vào khai thác kinh doanh, chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn tín dụng hoặc huy động vốn của nhà đầu tư vì đã có dòng tiền của khách hàng.
Ngoài ra, HoREA đề nghị sửa đổi "khoản 10 điều 8" quy định "các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 24 (hoặc 36) tháng tính đến thời điểm TCTD quyết định cho vay" để phù hợp với tình hình thực tiễn thị trường BĐS do vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn nên dự án bị dừng thực hiện chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà không phải do lỗi của DN.
Góp ý về việc sửa nội dung Thông tư 06, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng nên thực hiện theo hướng làm rõ đối tượng được vay, gặp khó khăn do pháp lý mâu thuẫn, khó về vốn buộc phải dừng giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, mua lại các DN gặp khó. Làm rõ phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt, có cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả sao cho vay. Thủ tục cho vay cần quy định chi tiết, rõ hơn. "Chỉ nên căn cứ những gì pháp luật cấm, không nên cấm những gì mà pháp luật chưa phù hợp, đang phải xem xét, điều chỉnh. Thái độ của NH với BĐS nên quyết liệt hơn, chủ động hơn, linh hoạt hơn" - TS Đính nêu quan điểm.
Trong khi đó, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đề xuất NHNN thu hồi Thông tư 06. Nếu không sẽ khiến cộng đồng BĐS Việt Nam dậy lên nhiều nỗi lo mới trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi, Thông tư 06 nếu được áp dụng sẽ gây ra ba bất cập. Thứ nhất, các dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp, nếu không được cho vay thì DN không có cơ hội xoay chuyển, chẳng khác nào "thấy chết mà không cứu".
Thứ hai, hiện hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đang được coi là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho DN và cho cả thị trường. Khi các chủ đầu tư gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ "chết chìm trên đống tài sản" có thể bán bớt một phần tài sản để cứu các phần tài sản còn lại. Nhờ đó, các dự án có cơ hội được tái khởi động. Nguồn cung trên thị trường cũng từ đó gia tăng. "Thay vì tạo điều kiện, nới lỏng và hỗ trợ cho hoạt động M&A, Thông tư 06 có nguy cơ sẽ khiến hoạt động này trở nên khó khăn hơn" - VARS đánh giá.
Thứ ba, các quy định, thủ tục thể hiện trong thông tư còn nhiều điểm chưa rõ, rất dễ khiến thị trường thêm rối. Từ đó kéo dài thời gian ách tắc của thị trường, gây ảnh hưởng đến quá trình hồi sức của thị trường.
Ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thị trường nhà ở
Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), phân tích việc bổ sung một số trường hợp không được cho vay của NHNN dường như đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của NH thương mại. Quy định trên sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thị trường nhà ở quốc gia, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp; phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững. "NHNN quy định không cho vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng tạo khó khăn cho người mua BĐS hình thành trong tương lai. Bởi từ trước đến nay, các chủ đầu tư phải hoàn thành phần móng của tòa nhà mới được phép mở bán cho khách hàng để huy động thêm vốn tiếp tục hoàn thiện dự án. Tất cả thỏa thuận mua bán trước khi mở bán đều theo hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh và NH thương mại sẵn sàng cho vay để khách hàng thực hiện hợp đồng. Nếu các quy định cấm của Thông tư 06 có hiệu lực, chủ đầu tư không thể huy động vốn từ người mua, đồng nghĩa với việc phải tự bỏ vốn ra để hoàn thành dự án và sau đó mới bán được hàng" - chuyên gia của UEH phân tích.
Xem thêm: mth.52034051232803202-60-ut-gnoht-iod-aus-gnourt-nahk/et-hnik/nv.moc.dln