“Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một người lãnh đạo có tư duy và tầm nhìn chiến lược” là nhận xét của nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo Nguyễn Văn Quyn khi chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM, sau khi hay tin ông Thành qua đời hôm 22-8.
Theo ông Quyn, TP Hải Phòng được như hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ, mang nhiều dấu ấn của vị thuyền trưởng quê Vĩnh Bảo trong hai nhiệm kỳ phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND, rồi bí thư Thành ủy.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi, động viên người dân tại các khu di dân, sơ tán tránh bão số 4 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế (ngày 28-9-2022). Ảnh: TTXVN |
Người lãnh đạo quyết nhiều chính sách hợp lòng dân
Tham gia Thành ủy Hải Phòng nhiều năm, ông Nguyễn Văn Quyn vẫn nhớ như in những phát biểu cũng như hành động cụ thể đầy kiên định, quyết tâm của ông Lê Văn Thành những năm nhận nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền, Đảng bộ TP.
Đó là trong công cuộc xây dựng và phát triển TP, không có chỗ cho sự trì trệ, vô cảm, nhũng nhiễu, phiền hà. Đó còn là lời khẳng định “sẽ kiên quyết loại trừ những cán bộ cố tình cản trở sự phát triển của TP ra khỏi bộ máy chính quyền các cấp”…
Nằm trên trục giao thông thuận lợi từ Hà Nội lên, từ Quảng Ninh xuống, cũng như từ các tỉnh công nghiệp sang, Hải Phòng những năm ông Thành là “người đứng đầu” đã phát huy được tiềm năng ẩn giấu của TP cảng, cửa ngõ thông thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, để rồi có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Nếu những năm 2005-2010, bình quân thu ngân sách của TP chỉ đạt 7.000-10.000 tỉ đồng/năm thì ngay nhiệm kỳ đầu tiên ông Thành làm phó bí thư, chủ tịch UBND, thu ngân sách của Hải Phòng đã tăng lên 13.000 tỉ đồng/năm vào năm 2015. Đến tháng 10-2015, ông Lê Văn Thành được bầu làm bí thư Thành ủy và trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã có những bước tăng trưởng mạnh về kinh tế. Cụ thể, năm 2017, thu ngân sách của TP đạt gần 22.000 tỉ đồng, đến cuối năm 2020, trước khi ông Thành về trung ương công tác, thu ngân sách của TP đã tăng lên hơn 32.000 tỉ đồng…
Người dân TP Hải Phòng bày tỏ sự thương tiếc khi hay tin vị “Bí thư của lòng dân” - người đã gắn bó cả cuộc đời với TP cảng qua đời.
Chính việc thu ngân sách tăng đó đã mang lại cho Hải Phòng một hình ảnh TP hiện đại, không chỉ ở đô thị mà cả ở các huyện nông thôn. Đó là cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Rào 1..., là khu đất vàng nhà tù Trần Phú khi dời ra ngoại thành, thay vì tận thu làm nhà ở thương mại thì đã chuyển thành công viên. Đó còn là chính sách cải tạo nhà tập thể cũ nát thành khu chung cư hiện đại với hạ tầng vườn hoa như khu chung cư Hoàng Huy ở phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền...
Là các tuyến đường, tuyến phố được cải tạo rộng hơn với vỉa hè lát gạch rộng rãi, đủ cây xanh, đèn chiếu sáng đô thị. Là những công trình giao thông nông thôn được bê tông hóa tới tận ngõ xóm.
Ở chiều sâu hơn của sự phát triển ấy là quan điểm mà ông Thành vẫn khẳng định: “Chính sách an sinh xã hội luôn đi trước một bước so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội”. Chính vì thế, hiếm có địa phương nào mà chính sách thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công nâng dần qua từng năm như Hải Phòng, đến nay đã lên tới 5,5 triệu đồng/hộ vào dịp 27-7, tết Nguyên đán…
Anh Bùi Tiến Sinh, quận Kiến An, một phụ huynh có con đang đi học, nói với PV rằng anh vô cùng xúc động khi cả ba cấp học được miễn học phí. Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước làm được như thế.
“Những chính sách thiết thực, hợp lòng dân khiến những người dân như chúng tôi cảm thấy tin yêu với vị bí thư TP, tin vào sự phát triển của TP dưới sự lãnh đạo của ông. Thời điểm ông được bầu giữ chức vụ phó thủ tướng, chúng tôi tuy có chút tiếc nuối nhưng cũng rất vui mừng vì đất nước sẽ có một vị lãnh đạo có tâm, có tầm. Ông cũng là một điển hình cho người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” - anh Sinh nói.
Dấu ấn trong những dự án
giao thông quan trọng
Trong thời gian hơn hai năm giữ cương vị phó thủ tướng (từ tháng 4-2021), ông Lê Văn Thành được phân công theo dõi các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại - xuất nhập khẩu; xây dựng; giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...
Ông cũng được phân công phụ trách các công trình trọng điểm quốc gia; dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo phân cấp của pháp luật; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, theo dõi và chỉ đạo các bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, GTVT, TN&MT.
Ông Lê Văn Thành cũng để lại dấu ấn của mình trong một số dự án giao thông quan trọng như dự án sân bay Long Thành, dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông với vai trò trưởng Ban chỉ đạo.
Bí thư của lòng dân Hải Phòng
Ngay khi hay tin Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từ trần, trên các trang mạng xã hội, nhất là những trang của người Hải Phòng đã có hàng chục ngàn bài đăng, lời bình thể hiện sự thương tiếc với người đã gắn bó cả cuộc đời với TP cảng. Không ít bình luận ví Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng là vị “Bí thư của lòng dân”.
Đây cũng là cảm xúc của nhiều cán bộ, đảng viên Hải Phòng, trong đó có ông Phạm Văn Vương, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
“Là người dân Hải Phòng, hầu như ai cũng luôn dành cho ông tình cảm trân trọng, quý mến. Bởi thế, hầu như ai cũng lo lắng khi nghe tin ông bị bệnh nặng, phải nghỉ công tác thời gian dài. Và nay, tin ông đã từ trần khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Một người con của quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng; một tấm gương đầy nghị lực vươn lên từ chiêm trũng nước mặn đồng chua; đóng góp đầy thuyết phục vào quá trình xây dựng và phát triển TP và đất nước” - ông Vương viết.
Còn cô Vương Lệ Thủy, giáo viên Trường THPT Thái Phiên, bày tỏ niềm vinh dự được tham gia chuyến công tác Trường Sa năm 2014 do ông Lê Văn Thành, lúc đó là phó bí thư Thành ủy, phó chủ tịch UBND TP, dẫn đầu.
“Tôi không chỉ cảm động khi chứng kiến cuộc sống và nghị lực của những người lính đảo mà còn cảm động trước những câu chuyện, việc làm của đồng chí Lê Văn Thành với những người lính ấy. Với tôi và những anh chị trong đoàn công tác và sau này là sự trân trọng, khâm phục vì những điều lớn lao và hạnh phúc mà đồng chí Lê Văn Thành đã làm đối với TP cảng thương yêu. Thực sự rất buồn. Xin được vĩnh biệt người lãnh đạo mà tôi kính trọng, tin yêu. Kính chúc đồng chí về nơi xa thật yên bình” - cô Thủy viết.
Không chỉ những người từng hay đang công tác trong cơ quan nhà nước mà nhiều bạn trẻ cũng gửi những lời thương tiếc về vị “Bí thư của lòng dân”.
Tài khoản Ban Vũ chia sẻ: “Nghe tin ông mất mà buồn như một người thân trong gia đình mình mất vậy! Vô cùng kính trọng và biết ơn những gì ông làm cho nhân dân TP. TP giờ đây vươn mình đẹp đẽ. Ông đã sống một đời đáng sống, mong ông yên nghỉ, nhân dân TP cảng luôn kính yêu và nhớ về ông!”.•
Tổ chức lễ tang Phó Thủ tướng Lê Văn Thành theo nghi thức cấp nhà nước
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sinh năm 1962, quê TP Hải Phòng. Ông tham gia công tác từ tháng 2-1988; từng giữ các chức vụ ủy viên Trung ương Đảng các khóa XII, XIII, ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, phó thủ tướng; nguyên bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Hải Phòng; đại biểu Quốc hội khóa XII.
Trong quá trình công tác, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do bệnh nặng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã từ trần hồi 20 giờ 20 ngày 22-8 (tức ngày 7 tháng 7 năm Quý Mão) tại nhà riêng, hưởng thọ 61 tuổi.
Theo thông báo của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lễ tang Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ được thực hiện theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban lễ tang nhà nước gồm 23 người, do Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban.
Linh cữu Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được quàn tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng, số 18 Hoàng Diệu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Lễ viếng được tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 24-8 (tức ngày 9 tháng 7 năm Quý Mão) đến 7 giờ ngày 26-8 (tức ngày 11 tháng 7 năm Quý Mão). Lễ truy điệu vào lúc 7 giờ ngày 26-8.
Sau đó là lễ đưa tang và lễ an táng trước 11 giờ ngày 26-8 tại nghĩa trang quê nhà xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.