Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hoạt động kinh tế ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8 tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là Đức - nền kinh tế đầu tàu khu vực, khi sự sụt giảm của ngành sản xuất đã lan sang khu vực dịch vụ.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do Ngân hàng Hamburg Commercial Bank (HCOB) của Đức phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống 47 trong tháng Tám so với mức 48,6 trong tháng Sáu.
Chỉ số PMI trong tháng Tám cũng là chỉ số thấp nhất trong vòng 3 năm qua, thấp hơn mức 48,5 do hãng tin Reuters ước tính sơ bộ trước đó và cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 để được công nhận là tăng trưởng.
PMI vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế.
Cụ thể, PMI ngành dịch vụ lần đầu tiên đã giảm dưới mức ôn hòa trong năm nay, từ 50,9 xuống 48, do người tiêu dùng đang gánh khoản lãi tăng cho các khoản vay chi tiêu tiêu dùng.
Hoạt động sản xuất cũng liên tục giảm từ giữa năm 2022, tuy nhiên, kết quả khảo sát PMI mới nhất cho thấy chỉ số trong khu vực này đã tăng từ 42,7 lên 43,7, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 7 tháng và tăng mạnh so với mức dự báo 42,6 của Reuters.
Sự lạc quan của các nhà quản lý thu mua tại nhà máy đã có sự cải thiện và điều này cho thấy các nhà sản xuất đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất với chỉ số sản lượng tương lai tăng từ 52,8 lên 53,5.
Theo ý kiến của nhiều nhà kinh tế, ECB đã thắt chặt chính sách từ tháng 7/2022 nhưng sẽ tạm dừng vào tháng Chín tới, tuy nhiên không loại trừ khả năng lãi suất tiếp tục tăng vào cuối năm do vấn đề lạm phát vẫn dai dẳng.
Số liệu báo cáo chính thức cho thấy lạm phát của Eurozone trong tháng Bảy là 5,3%, cao hơn 2 lần so với mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra, song lại thấp hơn nhiều so với số liệu cuối năm ngoái.
Nền kinh tế Eurozone đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật từ đầu năm 2023 và tăng trưởng của khu vực này dự đoán sẽ đạt khoảng 1% trong năm nay.