Bắt đầu xuất hiện tại các hội nhóm về du lịch, nhiếp ảnh trên Facebook, những bức ảnh anime được AI (trí tuệ nhân tạo) xử lý ngày càng lan rộng ra các tài khoản Facebook vào khoảng giữa tháng 8.
Trước đây, trào lưu này đã từng xuất hiện nhưng không được nhiều người hưởng ứng như hiện tại. Theo nhiều bạn trẻ, lý do là vì chất lượng của từng bức ảnh được cải thiện qua ứng dụng Loopsie.
AI làm ảnh anime từ hình thật
Ra mắt từ năm 2018, Loopsie có trụ sở ở Ý. Trước khi phát triển tính năng liên quan AI, ứng dụng tập trung tạo hình động và video.
Do bạn bè đăng ảnh anime nhiều trên mạng nên tìm hiểu thử, bạn Phạm Lê Đông Khánh (26 tuổi) nhận thấy chưa bao giờ mình có thể tạo ảnh hoạt hình dễ dàng đến vậy. "Đầu tiên tôi tải app Loopsie với dung lượng gần 200MB, sau đó nhấn đồng ý cho phép truy cập vào kho ảnh.
Tải ảnh lên và chọn phong cách mình mong muốn, sau đó đợi tầm 30 giây là ứng dụng xuất ra thành phẩm. Có thể dễ dàng chia sẻ ngay lên mạng bằng một cú bấm", Đông Khánh nói.
Bên cạnh lựa chọn chỉnh sửa phong cách anime, Loopsie còn có các chế độ chỉnh ảnh thành người máy, bộ xương hay hình vẽ 3D.
Điểm đặc biệt khiến app trên được nhiều người biết đến chính là khả năng thay đổi nhiều chi tiết trên bức ảnh mà vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của ảnh gốc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khuyết điểm "dở khóc dở cười" của các bức ảnh anime cũng xuất phát từ việc thay đổi các chi tiết. Một số lỗi thường gặp là thêm tóc dài cho nam, nhận nhầm động vật, đồ vật thành con người...
Ngoài ra ứng dụng Loopsie chỉ cho sử dụng miễn phí 3 ngày đầu, nếu muốn sử dụng tiếp, người dùng có thể đăng ký gói 199.000 đồng trên một tuần hoặc 229.000 đồng cho mỗi tháng.
Tham gia trào lưu khi được bạn bè giới thiệu, anh Lê Yên Thanh - người sáng lập và điều hành BusMap (ứng dụng xe buýt lớn nhất Việt Nam) - đánh giá ứng dụng Loopsie khá hay và được đầu tư bài bản. Các thuật toán về xử lý ảnh, video không dễ để xây dựng được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về lo ngại đánh cắp thông tin, anh Thanh cho biết mình sử dụng bình thường. "Tôi là người làm công nghệ nên cũng hiểu rõ ứng dụng họ làm ra chủ yếu để kinh doanh dựa trên bản quyền phần mềm mà khách hàng trả.
Tiền bản quyền họ kiếm được nhiều hơn việc kinh doanh dựa trên dữ liệu thu thập. Và bản thân ứng dụng cũng không thu thập thông tin gì từ người dùng, ngoài hình ảnh tải lên để xử lý, vì vậy không có gì để đánh cắp thông tin", anh Thanh nhận định.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc thu thập thông tin cá nhân và hành vi sử dụng của người dùng có thể vẫn tồn tại không chỉ riêng Loopsie mà nhiều ứng dụng khác như trắc nghiệm, trò chơi...
Trong đó có chứa các dữ liệu quan trọng như số điện thoại, thói quen, sở thích... mà nhà sáng lập có thể lấy để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
Chính vì vậy, người dùng nên sử dụng các ứng dụng có chọn lọc, nhất là cần tỉnh táo trước khi nhấn vào nút "cho phép" truy cập dữ liệu cá nhân trên mọi ứng dụng.
Một số bức ảnh anime được xử lý bằng AI:
TTO - Sau trào lưu lấy tay che mặt, lấy hoa che mắt của các 'hot girl', dự báo lấy sách che mặt một cách hài hước sẽ là một trào lưu chụp ảnh mới.