Chiều 24-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Không phải cứ có sàn là tốt
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Chính phủ vẫn mong muốn các giao dịch bất động sản bắt buộc phải thông qua sàn.
Ông Sinh cho rằng thực tế hiện nay các quy định mới khuyến khích và việc thực hiện vừa qua dẫn tới nhiều hệ lụy về tính minh bạch, công khai.
Do khuyến khích nên các điều kiện, yêu cầu của sàn, quy định về giao dịch sàn không được quy định rõ ràng.
Vì vậy dẫn đến hệ lụy với người mua rất nhiều.
Do đó, Chính phủ đề xuất các hoạt động kinh doanh bất động sản qua sàn để đảm bảo công khai, kiểm soát, chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi cho người mua, nhất là khi tài sản bất động sản là tài sản lớn.
Cùng đó, ông Sinh đề nghị dự thảo cần bổ sung các điều kiện kinh doanh của sàn, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước, sàn giao dịch bất động sản lành mạnh.
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay nếu thanh toán qua ngân hàng cả thì sàn hay không sàn vẫn minh bạch.
Ông chỉ rõ quan trọng không phải là ép người ta lên sàn, mà vấn đề quan trọng là giao dịch phải kiểm soát được dòng tiền.
“Thị trường phải để cho tự do, theo nguyên tắc thị trường để vận hành. Nếu không sẽ giống như thời kỳ chúng ta trả giá rất nhiều về sàn giao dịch vàng", ông Huệ nêu.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ các công ty kinh doanh bất động sản sẽ tự tổ chức mạng lưới phân phối theo kiểu của họ, không cần một đơn vị chuyên nghiệp.
Trong một tập đoàn kinh doanh bất động sản sẽ có công ty chuyên đi phân phối hoặc liên kết với một đơn vị nào đó về phân phối hoặc các nhà đầu tư thứ cấp.
"Phân phối có nhà đầu tư thứ cấp nhiều chứ có phải giao dịch nào cũng lên sàn, kết nối được giữa người mua và người bán đâu. Ngay kể cả công ty về chứng khoán cũng vậy.
Không phải cứ có sàn là tốt. Chỗ này phải thông suốt về nhận thức. Đừng lo thay cho họ ở chỗ này.
Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua nói rất nhiều về vấn đề này như Ủy ban Kinh tế đã nêu. Tập đoàn bất động sản người ta tự phân phối nhiều chứ. Họ tổ chức các công ty phân phối, hệ thống phân phối.
Thông tin thị trường đầy đủ, thanh toán không dùng tiền mặt thì tự nhiên minh bạch”, ông Huệ nhấn mạnh.
Ông cũng tin nếu sàn minh bạch "thì chả bắt người ta cũng theo". Đồng thời, không nên bắt buộc người ta làm những cái người ta không muốn hoặc "quản không được thì cấm". Do đó, ông đề nghị cần rà soát lại.
Kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải lên sàn
Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sàn chủ yếu của các nhà đầu tư, nhà phân phối, vì thế quản lý về pháp lý, vận hành rất lỏng lẻo. Hiện chưa có quy định pháp lý, tiêu chuẩn các sản phẩm đưa lên sàn.
Ông cho biết Chính phủ đưa ra nguyên tắc, khuyến khích phát triển các sàn giao dịch của các nhà đầu tư, phân phối nhưng đồng thời bổ sung quy định pháp lý để các sàn hoạt động minh bạch, tiêu chuẩn hóa sản phẩm đưa lên giao dịch.
Chính phủ đề xuất xây dựng sàn giao dịch quốc gia, được lập dưới hình thức doanh nghiệp sự nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp để Chính phủ kiểm soát được toàn bộ dữ liệu, giao dịch.
Sàn sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí, khi trao đổi, giao dịch ở đây đảm bảo tính pháp lý thông tin, bảo vệ lợi ích tiêu dùng....
Theo ông Hà, bất cập chủ yếu xảy ra trong thị trường sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai.
Do đó, ông kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải lên sàn này. Đây là điều kiện tiên quyết để nắm được năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của chủ đầu tư. Vì bất động sản hình thành trong tương lai thường rủi ro.
Ông nhấn mạnh nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ tiếp thu theo hướng này.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.