BRICS hiện nay gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Kể từ ngày 1-1-2024, khối này sẽ có thêm 6 thành viên mới.
BRICS tăng gấp đôi thành viên
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi, ngày 24-8, các nhà lãnh đạo BRICS đã nhất trí rằng kể từ ngày 1-1-2024 sẽ kết nạp thêm Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quốc gia đại diện cho 1/4 nền kinh tế thế giới, khẳng định: "Việc mở rộng thành viên này mang tính lịch sử".
"Việc mở rộng là điểm khởi đầu mới cho hợp tác của BRICS. Việc này sẽ mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới", Hãng tin AFP dẫn lời ông Tập Cận Bình.
Thủ tướng Ethiopia, ông Abiy Ahmed, ca ngợi diễn biến mới này là "khoảnh khắc tuyệt vời" đối với đất nước ông.
"Ethiopia sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước vì một trật tự toàn cầu thịnh vượng và toàn diện", ông Ahmed nói.
Ông Mohammad Jamshidi, cố vấn cấp cao của tổng thống Iran, mô tả đây là "sự phát triển lịch sử và thành công chiến lược" đối với chính sách đối ngoại của Tehran.
Theo AFP, tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS kéo dài 3 ngày ở Johannesburg (Nam Phi), có không ít sự bất đồng trong tiêu chí kết nạp thành viên mới. Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết khối đã tìm được tiếng nói chung về "các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục của quá trình mở rộng BRICS".
Vai trò của BRICS ngày càng tăng
Các quan chức Mỹ đã hạ thấp khả năng BRICS nổi lên như một đối thủ địa chính trị. Họ mô tả khối này là một tập hợp đa dạng các quốc gia bao gồm cả bạn bè và đối thủ.
BRICS hiện nay gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Bất chấp những khác biệt, các nhà lãnh đạo BRICS đều bày tỏ niềm tin chung rằng hệ thống quốc tế đang bị chi phối bởi các quốc gia và thể chế phương Tây, cũng như không phục vụ lợi ích của các quốc gia đang phát triển.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhận định rằng với việc kết nạp 6 thành viên mới, BRICS sẽ chiếm 46% dân số thế giới và do đó tỉ trọng của khối trong nền kinh tế toàn cầu cũng gia tăng.
Trước đó, trong phát biểu ngày 22-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các thành viên BRICS đang trở thành những nhà lãnh đạo kinh tế thế giới mới, chiếm 26% GDP toàn cầu. Nếu tính theo sức mua tương đương, BRICS chiếm 31% nền kinh tế toàn cầu, vượt qua Nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu G7 (30% kinh tế toàn cầu).
Trong 10 năm qua, đầu tư lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên BRICS đã tăng gấp 6 lần. Ông Putin cho biết tổng đầu tư của nhóm vào kinh tế thế giới đã tăng gấp đôi, trong khi xuất khẩu tích lũy chiếm 20% tổng giá trị toàn cầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15, nhóm các nền kinh tế BRICS tập trung vào những giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong khi vẫn đảm bảo không sa vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị.