Con đường đau khổ
Cuối tháng 10.2020, vụ sạt lở núi kinh hoàng đã xảy ra tại H.Phước Sơn, vùi lấp tất cả những gì trên đường nó đi qua. Nhà cửa, gia súc, cây cối của người dân cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi, chôn vùi... Các tuyến đường huyết mạch nối liền các xã vùng cao như: Phước Kim, Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) cũng bị phá hủy gần như hoàn toàn.
Nhiều hạng mục vẫn thi công dở dang
Mạnh Cường
UBND H.Phước Sơn đã đưa ra các phương án để phục hồi tạm thời các tuyến đường trên, giúp bà con các xã vùng cao thuận tiện đi lại. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đi vào xã Phước Kim, Phước Công, Phước Thành và Phước Lộc. Trong đó, ĐH1 (đoạn xã Phước Kim - Phước Thành) dài hơn 13 km, tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng. Tuyến ĐH5 (đoạn từ xã Phước Công đi xã Phước Lộc) dài gần 10 km, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2024. Riêng ĐH2 (đoạn từ xã Phước Thành đi Phước Lộc), gần 10 km, tổng mức đầu tư 152 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm giữa năm 2022 đến đầu năm 2025. Cả 2 dự án này đều do UBND H.Phước Sơn làm chủ đầu tư.
Dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH này không được đưa vào dạng dự án cấp thiết, nên buộc phải tiến hành đầy đủ thủ tục liên quan rồi mới thi công. Vì vậy, kể từ cuối năm 2020, khi các tuyến đường đã bị "phá nát" thì phải đến gần 1 năm sau, dự án mới đảm bảo thủ tục để thi công.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau hơn 2 năm thi công, đến nay, các tuyến đường vẫn còn nham nhở, chỉ một số đoạn ở phía ngoài đã được đơn vị thi công đổ bê tông; còn lại, càng đi vào sâu địa phận các xã vùng cao thì tuyến đường này đúng như người dân gọi là "con đường đau khổ". Nhiều vị trí hầu như không có bóng dáng công nhân, máy móc thiết bị thi công.
Anh Hồ Văn Sen (35 tuổi, ngụ xã Phước Thành) than phiền: "Sau đợt thảm họa sạt lở cuối năm 2020, nhà sập đã được dựng lại, nhưng đường thì vẫn thế. Mấy năm nay, dân phải hóng chờ đường. Giờ mỗi lần mưa to, chúng tôi đâu dám di chuyển trên những con đường này vì rất nguy hiểm. Có đi thì cũng nơm nớp lo".
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: "Các nhà thầu chỉ thi công các cây cầu, cống hộp nhưng mặt đường thì hầu như chưa làm.
Nhà thầu không chịu thi công
Tính đến tháng 7.2023, giá trị khối lượng đạt được của 2 nhà thầu trên tuyến ĐH1 chỉ đạt khoảng 30% giá trị hợp đồng, giá trị khối lượng đạt được của 4 nhà thầu trên tuyến ĐH2 chỉ đạt khoảng 14% giá trị hợp đồng...
Theo Ban Quản lý dự án H.Phước Sơn, các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; cố tình kéo dài, không triển khai thi công thực hiện dự án theo hợp đồng. Có nhà thầu không triển khai thi công, trong khi hiện trạng trên tuyến đường do mưa lũ thường xuyên khiến nền mặt đường bị xói lở, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, phát sinh thêm khối lượng so với thiết kế. Ban nhiều lần có văn bản yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhà thầu vẫn cố tình không thực hiện. Ban cũng có văn bản báo cáo UBND huyện về tình trạng này.
Để "bào chữa" cho việc chậm trễ, các đơn vị thi công có văn bản gửi UBND H.Phước Sơn với lý do giá vật liệu khan hiếm, tăng quá cao so với hợp đồng ban đầu và đề nghị tháo gỡ khó khăn mới thi công trở lại.
Trong công văn gửi đến UBND H.Phước Sơn, Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương (đơn vị thi công tuyến ĐH1) cho rằng sau khi nhà thầu ký kết hợp đồng thi công thì giá vật liệu tăng đột biến. Những vật liệu như đá cấp phối, cát… tăng từ 28 - 55% so với lúc trước. Tuy hợp đồng đã ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư là "Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh", nhưng với vật liệu chênh lệch quá lớn giữa giá thị trường và giá công bố của các cơ quan ban ngành áp dụng cho việc điều chỉnh giá cũng không thể nào bù đắp được khoản lỗ cho nhà thầu.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết việc vật liệu tăng gần như gấp đôi phần nào đã khiến các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn. Vừa rồi, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra và ghi nhận thấy nhiều nơi chỉ lác đác vài công nhân làm việc cho có, còn lại hầu như là dừng hoạt động. "Sắp tới, chúng tôi sẽ có phương án quyết liệt để đốc thúc những đơn vị này tiếp tục thi công, đảm bảo đúng tiến độ so với kế hoạch. Các đơn vị đã cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ xử lý theo quy định", ông Trung kiên quyết.