Chi phí bỏ ra để tầm soát theo "chiến dịch" này là rất đắt đỏ, gây tốn kém lớn nhưng hiệu quả vẫn là dấu chấm hỏi.
Mỗi năm trên 200.000 ca đột quỵ
Theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới (hiển thị màu đỏ đậm nhất), tỉ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu, mỗi năm nước ta có trên 200.000 ca đột quỵ.
Đáng báo động, theo thống kê chung mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 3 giây lại có 1 bệnh nhân đột quỵ mới và cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời (tỉ lệ này trong những năm trước là 1:6).
Cùng với thực tế số người bị đột quỵ và có nguy cơ đột quỵ tăng cao, kéo theo ngày càng nhiều "chiến dịch" quảng cáo tầm soát đột quỵ ra đời, khiến người dân lầm tưởng tương tự với điều trị phòng ngừa đột quỵ.
Mở đầu quảng cáo, hệ thống y khoa quốc tế B. (ở TP.HCM) đặt câu hỏi "Ai có nguy cơ đột quỵ?". Phần trả lời là "đột quỵ có thể tấn công bất kỳ ai". Sau đó thông tin về dịch vụ tầm soát nguy cơ đột quỵ tại hệ thống này gồm chụp MRI não, CT-scan, siêu âm mạch máu trọng yếu toàn thân, đo điện tim, đo chỉ số ABI, TBI, chụp soi đáy mắt, xét nghiệm máu, định lượng cholesterol toàn phần...
Trong vai người dân muốn sử dụng các dịch vụ nêu trên để tầm soát đột quỵ, nhân viên của hệ thống y khoa quốc tế B. thông báo giá dịch vụ trọn gói là 11,2 triệu đồng, bao gồm phí được bác sĩ chuyên khoa tư vấn.
"Hãy tầm soát nguy cơ đột quỵ ngay hôm nay. Đột quỵ có thể tấn công sức khỏe của bạn một cách ngẫu nhiên mà không có dấu hiệu báo trước. Các gói khám tại trung tâm, quý khách sẽ được chụp MRI não/mạch máu não, CT-scan não và ngực", một trung tâm tầm soát đột quỵ tại TP.HCM quảng cáo.
Chú trọng phòng ngừa sớm
PGS Nguyễn Huy Thắng - phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - cho hay điều trị phòng ngừa đột quỵ là câu chuyện dài và cần được chú trọng hơn cả việc điều trị bệnh. Thực tế ở nước ta, rất ít người chú trọng việc điều trị phòng ngừa đột quỵ, ngay cả ở các bác sĩ.
Khi phòng ngừa sớm, nguy cơ xảy ra đột quỵ sẽ thấp đi rất nhiều. Nếu để đột quỵ xảy ra, dù được điều trị tại trung tâm và bác sĩ tốt nhất thì tỉ lệ thành công tối đa cũng chỉ đạt 50%. Do đó, cần thay đổi được nhận thức, chú trọng điều trị phòng ngừa.
Theo khuyến cáo, bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm thường quy, ít nhất mỗi năm/lần để tầm soát đột quỵ. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao tôi phải làm xét nghiệm trong khi sức khỏe bình thường.
Theo xu hướng mới trong điều trị đột quỵ hiện nay là điều trị phòng ngừa, tầm soát sớm, nhưng PGS Thắng lưu ý người dân không nên nhầm lẫn với những "chiến dịch" quảng cáo tầm soát rầm rộ như hiện nay, gây tốn kém rất lớn nhưng không cần thiết.
Thực tế nhiều người lầm tưởng tầm soát đột quỵ là phải chụp MRI, CT-scan, làm các xét nghiệm... với chi phí cao, nhưng thực tế hiệu quả vẫn là dấu chấm hỏi. Hiện không có nước nào, ngay cả Hoa Kỳ cũng không khuyến cáo người bình thường chụp MRI để tầm soát đột quỵ.
"Chúng tôi hoàn toàn không khuyến cáo việc này, người dân cần hiểu đúng và cân bằng. Đôi khi vô tình phát hiện có một túi phình nhỏ, nhưng rồi can thiệp quá mức, làm từ bệnh nhẹ nhưng trở nên đột quỵ vì lo sợ quá mức", PGS Thắng chia sẻ.
Người dân muốn tầm soát đột quỵ, PGS Thắng khuyến cáo nên gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá yếu tố nguy cơ như: cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol trong máu, dùng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, công việc thường xuyên căng thẳng...
"Chúng ta chỉ cần tầm soát yếu tố nguy cơ cơ bản, đơn giản, không tốn kém nhiều nhưng mang lại hiệu quả, thay vì đi chụp MRI, CT-scan như quảng cáo rầm rộ hiện nay", PGS Thắng nhấn mạnh.
Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa - phó chủ nhiệm khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho hay tỉ lệ người dân nắm được những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng còn thấp.
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Hòa khuyến cáo ở người chưa bị đột quỵ nhưng có yếu tố nguy cơ gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì, nguyên nhân từ tim, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu..., cần điều chỉnh những yếu tố nguy cơ này bằng cách kiểm soát cân nặng, chế độ dinh dưỡng, uống thuốc theo chỉ định, tái khám, tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá...
Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM chia sẻ số trung tâm đột quỵ hiện nay tại nước ta đã tăng, nhưng vẫn không đủ để bao phủ số bệnh nhân quá lớn.