Có thể là bác sĩ cứu sống người thân, thầy cô giáo dạy con ta thành người thì có lời cảm ơn. Không nên cực đoan bởi điều này phù hợp với văn hóa người Việt, tinh thần uống nước nhớ nguồn.
Lời cảm ơn đó có khi chỉ kèm theo gói trà, mấy ký cam trong vườn nhà, cân đường, hộp sữa hay con cá đánh dưới ao... Tất cả chỉ nhằm thể hiện tấm lòng, sự chân tình của mình.
Nhưng khi một số cán bộ có chức vụ cao trong vụ án "chuyến bay giải cứu" đứng trước tòa giải trình nhận nhiều tỉ đồng của doanh nghiệp chỉ là cảm ơn là điều không thể chấp nhận.
Không có tình cảm thông thường nào mà cảm ơn tính bằng hàng chục tỉ đồng, cả trăm ngàn USD, thậm chí cả triệu "đô" như thế.
Bên cạnh đó, qua vụ Việt Á và "chuyến bay giải cứu" cho thấy trong lúc cả dân tộc, đất nước đang khó khăn, cam go nhất, đáng lẽ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao phải hết lòng vì dân, vì nước thì họ lại tìm cách trục lợi.
Đồng thời, nó là những ví dụ tiêu biểu cho hành vi tham nhũng, tiêu cực không còn ở một nơi, một bộ phận mà đã có tổ chức, rộng rãi, quy mô lớn, từ trên xuống dưới, từ trong Nhà nước ra ngoài tư nhân.
Trong vụ án này, những người vi phạm là cán bộ từng ở cấp cao như cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng...
Tất cả họ đều là cán bộ được đào tạo bài bản, trải qua quy trình chọn lọc kỹ càng, có trình độ, rèn luyện, tiếp xúc nhiều với pháp luật, nhiều người còn là ủy viên Trung ương Đảng... Nhưng do lòng tham, không giữ được mình trước lượng tiền quá lớn, kiếm tiền quá dễ nên họ đã sa ngã.
Họ đã bỏ qua những điều thiêng liêng nhất của con người là nhân phẩm, danh dự để tham nhũng số tiền rất lớn. Những đồng tiền họ chiếm đoạt chính là trên xương máu, trên sự sinh - tử của người dân. Do đó, việc xử lý nghiêm minh những hành vi này là điều cử tri, nhân dân trông đợi.
Đây cũng là bài học rất đắt giá cho các cơ quan, tổ chức trong việc lựa chọn cán bộ, vốn là vấn đề "cốt tử" của bộ máy.
Phải nhìn cho đúng, "đừng tưởng đỏ là chín", không để lúc quy hoạch ai cũng tốt, cũng đẹp nhưng khi trở thành ủy viên Trung ương, bộ trưởng, cán bộ cấp cao rồi lại "ngã tay chèo". Đây là những vấn đề phải bàn rất kỹ và có giải pháp cụ thể, rõ ràng, nhất là trong lúc này khi Đảng đang làm công tác quy hoạch cán bộ cho khóa tới.
Cạnh đó phải xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để kiểm soát quyền lực cán bộ ngay từ khâu chọn cán bộ. Khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm như các vụ án trên.
Ngoài ra, phải kiểm soát bằng được thu nhập, tài sản của cán bộ để chống che giấu, tẩu tán tài sản. Chỉ khi nào có sự đồng bộ các giải pháp và đủ mạnh cả bên trong lẫn bên ngoài thì mới mong bớt đi "những vali tiền mang danh cảm ơn".
Ngoài sáu quan chức nhận hối lộ, cơ quan điều tra còn kết luận một số quan chức khác cũng nhận tiền từ vài chục đến vài trăm ngàn USD của Việt Á nhưng những người này chỉ bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ và vi phạm quy định về đấu thầu.