vĐồng tin tức tài chính 365

Dòng vốn cho nền kinh tế: Tắc nghẽn hay bị đắp đập be bờ?

2023-08-25 12:00

Kế hoạch giải ngân đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng, các gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 40.0000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất… đây là những con số đã được phê duyệt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục nền kinh tế.

Thượng nguồn đã sẵn nước, thế nhưng khi đến nơi chỉ nhỏ giọt. Đồng bằng vẫn khô hạn, quyết định đã ký, nhưng tốc độ giải ngân còn chưa như kỳ vọng, người dân và doanh nghiệp vẫn đang chờ mong. Vậy dòng chảy rốt cuộc đã tắc nghẽn hay bị đắp đập be bờ chặn lại ở đâu? Làm sao để phát hiện điểm tác nghẽn? Cần làm gì để khơi dòng, thông đập?


Lượng đơn hàng toàn cầu giảm chỉ còn 70-80% so với trước nhưng đối tác lại đòi hỏi cao hơn về chất lượng và thấp hơn về giá bán, tập đoàn An Phát Holdings cho biết: Hầu hết bạn hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu đã dừng hẳn việc tiêu thụ sản phẩm nhựa thông thường và chuyển sang nhựa tái chế thân thiện môi trường, giảm thiểu dấu chân C02.

Vì thế doanh nghiệp buộc phải đầu tư thay thế nguyên liệu, nâng cấp dây chuyền. Chỉ riêng chi phí sản xuất đã cao gấp rưỡi so với thông thường, chưa kể chi phí lãi vay.

"Thực chất lợi nhuận của chúng tôi chỉ được 8-9% thôi, nên để có tính hiệu quả thì lãi suất cho vay chỉ khoảng 6% thì mới có khoản dôi dư ra cho những hạng mục khác, còn không thì thực sự rất khó để chúng tôi nghĩ đến đầu tư vào các kế hoạch khác", Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết.

Dòng vốn cho nền kinh tế: Tắc nghẽn hay bị đắp đập be bờ? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thì thiếu đơn hàng

Nếu như mọi năm, tín dụng đến giữa năm đã tăng 8-9%, thậm chí, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức ngay từ quý II, thì năm nay, chỉ đạt quanh ngưỡng hơn 4%. Doanh nghiệp cần vay nhưng ngại lãi suất cao, còn doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, được vay lãi suất rẻ, thì lại không dám vay do lo ngại triển vọng đơn hàng vẫn đang trông chờ nhiều vào thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group chia sẻ: "Nếu đi vay về mà không có hoạt động kinh doanh ngay thì sẽ đè nặng lên chi phí. Theo tôi vấn đề ở đây không phải là tiếp cận vốn với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gỗ Minh Long nhấn mạnh: "Chi phí vốn đang chiếm khoảng 15% trên tổng chi phí vận hành của doanh nghiệp. Chi phí vốn hiện đang rất cao nên doanh nghiệp chưa thể hoạt động hiệu quả được".

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn hoạt động thì thị trường phải có.

"Tuy nhiên hiện nay, cả thị trường xuất khẩu và nội địa đều giảm. Với thị trường và dòng tiền về trước đây là A, giờ chỉ là 60% A thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn làm gì. Bản thân các doanh nghiêp cũng chưa tin tưởng vào thị trường năm 2024 nên nhu cầu về vốn là chưa có", ông Trần Việt Anh nói.

Còn những doanh nghiệp đang cần vốn là những hoạt động mang tính đặc thù ví dụ như xuất nhập khẩu nông sản, do sự đột biến của một số thị trường. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này có thể chưa có lịch sử lớn với các tổ chức tín dụng, nên chưa đủ điều kiện để vay. Thêm nữa, doanh nghiệp cần vốn là những doanh nghiệp đã đến lúc phải trả nợ.  Nhìn chung có doanh nghiệp cần vốn, có doanh nghiệp không cần, có doanh nghiệp không đủ điều kiện…

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tăng khoảng 4,56%, so với các năm trước đây là thấp hơn.

"Chúng tôi nhận diện rằng, nhiều nguyên nhân khách quan cho việc tăng trưởng tín dụng thấp như sự suy giảm của cầu đầu tư, cầu sản xuất của nền kinh tế. 

Với nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện vay vốn thì cũng rất điển hình là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn nhỏ, năng lực quản trị điều hành có phần hạn chế, tình hình tài chính còn thiếu minh bạch, khả năng xây dựng các phương án, dự án, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng xem xét cho vay có những hạn chế nhất định", bà Hà Thu Giang thông tin.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Thịnh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, các doanh nghiệp hiện nay, đều rất thận trọng với các quyết định của mình. 

"Vay với 10% trong bối cảnh thị trường thu hẹp như thế này thì các doanh nghiệp đều rất thận trọng. 

Họ chỉ muốn vay ở một mức nào đó để tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm; tinh chỉnh nâng cao giá trị, có thể theo hướng xanh hơn hoặc nghiên cứu thêm một hướng đi mới. Những thứ có rủi ro cao hơn, thì doanh nghiệp khó chấp nhận lãi suất cao được", ông Phạm Văn Thịnh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.


Trước những khó khăn rất lớn với thực tế sản xuất, kinh doanh của các Doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sâu sát, thường xuyên, quyết liệt trong Chỉ đạo, điều hành để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. 

Trong đó tập trung tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các vấn đề đang còn vướng mắc, liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản... qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Điển hình là để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, sau Hội nghị toàn quốc diễn ra vào đầu năm.

6 tháng sau, Thủ tướng tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trước đó, chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam về tình hình hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị phải triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp; giảm mặt bằng lãi suất; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Với nguồn vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt ngay từ đầu năm. 

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành là xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Phạm Văn Thịnh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn kinh tế rất quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ giải ngân vốn đầu tư công đến tháo gỡ khả năng tiếp cận tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng hiệp hội doanh nghiệp…


"Tôi tin rằng những chỉ đạo này có hiệu ứng rất tích cực cả trước mắt lẫn lâu dài", ông Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành, một số mức lãi suất trần tối đa bằng đồng Việt Nam, qua đó tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho khách hàng.

 Bên cạnh đó, chính sách cơ cấu nợ, tạo điều kiện cho các khách hàng, được giãn điều kiện trả nợ, điều chỉnh kì hạn trả nợ mà không bị chuyển thành nợ xấu. Qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới, phục vụ cho sản xuất.

Sau gần 2 năm giải phóng mặt bằng, những điểm thi công đầu tiên của gói thầu số 2 thuộc dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua tỉnh Lào Cai mới được triển khai.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: Cách đây gần 1 năm, nhà thầu đã huy động máy móc, nhân lực nhưng vẫn phải chờ. Trước đó, địa phương cam kết 15/7 bàn giao mặt bằng dự án.

Ông Vũ Tuấn Khanh, Phó giám đốc ban điều hành dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc khu vực Lào Cai cho biết: Họp tháng 7 xin lùi vào 15/8 nhưng đến 15/8 vẫn chưa có phản hồi.

Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua 3 địa phương Yên Bái – Lào Cai – Lai Châu có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia chiếm 2/3 tổng nguồn vốn. Nếu như không có mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian thi công và nếu vượt quá thời gian hiệp định giải ngân nhà tài trợ, dự án sẽ không còn vốn để đầu tư.

Dòng vốn cho nền kinh tế: Tắc nghẽn hay bị đắp đập be bờ? - Ảnh 9.

Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những trụ cột tăng trưởng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 cao hơn 80.000 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch đầu tư, việc tính toán giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa vẫn mất nhiều thời gian. Việc kiểm soát giá nguyên vật liệu vẫn chưa triệt để

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: "Trước hết phải có sự minh bạch trong hệ thống pháp luật, có cơ chế thưởng phạt rõ ràng và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung".

Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn ngoài nhà nước.

"Năm nay, chúng tôi tính toán, tăng thêm 1% vốn đầu tư của ngân sách nhà nước so với năm ngoái sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm", ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8 ước đạt 41,8%  kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). 

Riêng năm 2023 có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm nay lớn hơn các năm, 710 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 23%, tương ứng 130.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa giữa các bộ ngành, địa phương.

Theo số liệu cập nhật từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 8, trên cả nước việc giải ngân của các Bộ, ngành địa phương đang có những con số thống kê… 43/51 bộ, cơ quan trung ương tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, có 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.  Thậm chí, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%.


Đến cuối tháng 8, lãi suất điều hành đã liên tục được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thế giới liên tục tăng và neo ở mức cao. Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vẫn tăng chậm.

Các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng cũng khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: "Năm nay nhu cầu tín dụng thấp nên chính các ngân hàng cũng khá là sốt ruột, muốn đẩy tín dụng ra. Một trong những cách đẩy tín dụng ra, kích thích, tạo nhu cầu cho khách hàng là phải giảm lãi suất, làm sao để chi phí tài chính dễ chấp nhận. Như vậy so với Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hạ từ 1,5 đến 2%, thì ngay chính chúng tôi cũng chủ động rồi, nên việc thực thi cũng không quá khó khăn".

Dòng vốn cho nền kinh tế: Tắc nghẽn hay bị đắp đập be bờ? - Ảnh 13.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay trong những tháng qua

Việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành, qua đó ép mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt hơn so với trước kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay mà các tổ chức tín dụng đang triển khai được xem là các công cụ quan trọng để tín dụng được tăng trưởng.

Nguồn vốn được đưa vào lưu thông, từ đó, sản xuất cũng được kích thích hơn, gia tăng tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Theo ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty đóng tàu Thái Bình Dương, Hải Phòng cho biết, lãi suất cũng giảm đáng kể, giảm khoảng 3,5% từ cuối năm ngoái.

"Tôi nghĩ đây là động lực rất tốt, để các doanh nghiệp phát triển, tái sản xuất, tăng quỹ lương cho cán bộ, nhân viên", ông Tám cho hay.

Theo chuyên gia, ngoài cơ chế để khơi thông dòng vốn, cần thực hiện đồng bộ với cùng cả các chính sách tài khoá, chính sách hỗ trợ thị trường. Trong đó, chú trọng vào thúc đẩy tiêu dùng nội địa, để bù đắp cho sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Vốn tín dụng không phải là liều thuốc duy nhất để gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Lãi suất hạ, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận thì việc giảm cũng không có nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, các giải pháp tháo gỡ cần đồng bộ thì sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, và nền kinh tế mới cải thiện được.

Theo ông Phạm Văn Thịnh, – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một trong những yếu tố quan trọng trong nỗ lực khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế vẫn là tiến độ "đầu tư công" – một trong những trụ cột tăng trưởng và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.

"Doanh nghiệp, các chủ đầu tư và chính quyền các cấp phải ngồi với nhau, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một mệnh lệnh, đặt ra với tất cả công chức, Đảng viên và doanh nghiệp, nhà thầu", ông Thịnh nhấn mạnh.

Trong những tháng cuối năm 2023, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu đề ra, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng hấp thụ tín dụng của người dân và doanh nghiệp. 

Trong đó cụ thể, sẽ có nhiều đoàn công tác tại các địa phương để nhận diện những khó khăn trong tiếp cận tín dụng hiện nay để giải quyết kịp thời.

Sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay đã có hơn 30 mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, với lưu lượng lên đến 3 triệu lệnh/ một giây. Khi các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn, thì nhà đầu tư đang nắm giữ có thể đăng ký bán nếu có nhu cầu. Người mua, đều là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tất cả các thông tin về trái phiếu như tên là gì, địa chỉ ở đâu, lãi suất như nào, kỳ hạn ra sao, chuyển đổi bằng cách nào, tài sản đảm bảo là gì... nhà đầu tư có thể tìm kiếm công khai tại HNX.

Doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm công bố. Đến 15/10 này, là hạn cuối để tấn cả khoảng 1.200 trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bắt buộc phải lên sàn giao dịch tập trung.

Theo ông Phạm Văn Thịnh, việc ra mắt sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, ngoài tính bạch, đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho các trái chủ khi có nhu cầu.

"Khi đã lên sàn thì nó yêu cầu các nhà đầu tư phải có sự hiểu biết nhất định, tức là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc có sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ dần dần lấy lại lòng tin với một thị trường rất quan trọng với dòng vốn đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Thịnh đánh giá.

Từ nay đến cuối năm, theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam, áp lực trả lãi và gốc của TPDN là hơn 100.000 tỷ đồng và ngay trong tháng 9 này là nhiều nhất với hơn 41.000 tỷ đồng. Việc trả lãi và gốc là trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 08 để cho phép các doanh nghiệp thực hiện đàm phán giãn hoãn trả nợ gốc và lãi với nhà đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.74734917142803202-ob-eb-pad-pad-ib-yah-nehgn-cat-et-hnik-nen-ohc-nov-gnod/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dòng vốn cho nền kinh tế: Tắc nghẽn hay bị đắp đập be bờ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools