Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra hôm 17/8 đề nghị truy tố một loạt cựu quan chức các bộ ngành và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương Nghệ An và Bình Dương, do liên quan đại án Việt Á khống giá vật tư y tế.
Tại Bình Dương, cựu giám đốc CDC Nguyễn Thành Danh cùng hai nhân viên Trần Thanh Phong, Lê Thị Hồng Xuyên (khoa Xét nghiệm) và cựu kế toán trưởng Sở Y tế tỉnh Bình Dương Tiêu Quốc Cường bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng vụ án, chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. "Đầu mối" của Việt Á tại Bình Dương, Lê Trung Nguyên, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 1/2021, tỉnh Bình Dương có ca mắc Covid-19 đầu tiên ngoài cộng đồng. UBND tỉnh giao bổ sung kinh phí cho Sở Y tế để CDC Bình Dương mua sắm sinh phẩm phòng chống dịch. Tổ Tư vấn và Hội đồng tư vấn, gồm đại diện lãnh đạo tỉnh, sở, ngành được lập để đảm bảo mua sắm đúng tiến độ.
Theo kết luận điều tra, gần Tết Nguyên đán 2021, Nguyên được giới thiệu với ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương sau khi biết tin CDC Bình Dương vừa lắp hệ thống máy xét nghiệm PCR. Qua cuộc nói chuyện với Nguyên, ông Chương nhờ Công ty Việt Á cung cấp kit test cho Bình Dương.
Lúc này, tại CDC Bình Dương, bị can Xuyên đề xuất với giám đốc Danh sử dụng kit test của Đức do giá thấp (176.000 đồng/kit), chất lượng tốt, được WHO khuyến cáo. Song ông Danh yêu cầu trình Sở Y tế thêm phương án mua kit của Việt Á, giá hơn 509.000 đồng/kit.
Ngày 9/2/2021, họp với CDC Bình Dương, bị can Cường, Giám đốc Sở Y tế, chỉ đạo CDC dùng kit test của Việt Á với hai lý do: có thể "mượn được ngay, dễ sử dụng" và "cần xét nghiệm gấp cho dân". Ông Chương cũng thông báo đã trao đổi việc này với Việt Á, kết luận điều tra nêu.
Thực hiện ý kiến của ông Chương, CDC chưa đấu thầu nhưng giám đốc Danh chỉ đạo cấp dưới soạn 13 công văn đề nghị Việt Á tạm ứng sản phẩm do Nguyên yêu cầu "phải có công văn mượn hàng, sau này mới có căn cứ thanh toán".
Cơ quan điều tra xác định, giá thành sản xuất thực tế kit test của Việt Á là 143.000 đồng song Nguyên báo giá gấp 3,5 lần, lên 509.250 đồng.
Để thanh toán cho Công ty Việt Á, hai cán bộ CDC là bị can Xuyên và Phong bị cáo buộc liên hệ, bàn bạc với Nguyên để hợp thức các thủ tục mua bán mà không khảo sát, so sánh giá thị trường, không thỏa thuận, thương thảo giá. Họ "chấp nhận ngay" giá 509.000 đồng do Nguyên đưa ra.
Các bản báo giá, theo lời khai của Nguyên, đều do chủ tịch Việt Á soạn thảo để cung cấp cho CDC Bình Dương.
Hoàn thành các thủ tục này, giám đốc Danh gửi các tờ trình tới Sở Y tế Bình Dương. Tại đây, bị can Tiêu Quốc Cường, kế toán trưởng, kiểm tra nội dung để trình Giám đốc Sở Y tế ký Tờ trình gửi Sở Tài chính, UBND tỉnh. Được UBND tỉnh phê duyệt, CDC Bình Dương hoàn thành các thủ tục và ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Việt Á.
Theo cách thức này, năm 2021, Việt Á trúng 5 gói thầu, được CDC thanh toán 83 tỷ đồng. Trong đó, nhà chức trách xác định, 79.000 kit test đã bị khống giá khiến nhà nước thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.
Với các vật tư, sinh phẩm y tế khác, Hội đồng định giá tài sản kết luận không đủ thông tin để thẩm định nên không có căn cứ xác định thiệt hại.
Chi % cho CDC "theo barem quy định"
Giống ở Hải Dương, để độc quyền bán kit test giá cao tại Bình Dương, chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt khai vẫn áp dụng chủ trương chi % tại CDC do "có quy định cụ thể tại Công ty Việt Á".
Việt cho phép chi từ 15 đến 20% song Nguyên đưa những ai, Việt nói "không nhớ".
C03 xác định việc chi tiền hoa hồng bắt đầu được Việt Á lên barem từ tháng 4/2021. Cụ thể với tổng tỷ lệ chi 20%, Giám đốc Sở Y tế Chương sẽ có mức 7%; Giám đốc CDC Danh 5%, bà Xuyên 5%, và Kế toán trưởng Sở Y tế Cường 3%.
Việt sau đó tính toán lại và chốt cắt % của ông Chương để chi cho Cường, do Cường nói chuyện "ông Chương không giúp gì cho Công ty Việt Á", theo kết luận điều tra.
Sau khi chốt % chi tiền, Việt chỉ đạo Nguyên cầm tiền đi biếu. Trong số này, chỉ hai người thừa nhận cầm tiền là Cường với 1,235 tỷ đồng và bà Xuyên 1,06 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đã được hai người nộp lại giai đoạn điều tra.
Với ông Chương, Nguyên khai đã biếu 60 triệu đồng nhưng làm việc với cơ quan điều tra ông không thừa nhận. Ông Danh cũng phủ nhận lời khai của những người liên quan về việc mình đã cầm tiền, với lý do "sắp về hưu, không muốn liên quan tiền bạc, hoa hồng".
>> Danh sách 38 người bị đề nghị truy tố
Việt Á "cho mượn" tên công ty để bán khống vật tư y tế
Ngoài sai phạm trên, C03 cáo buộc Chủ tịch Việt Á còn cho mượn pháp nhân công ty Việt Á để Công ty VNDAT bán kit tách chiết khống giá cho CDC Bình Dương, gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng.
VNDAT do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc, là đơn vị hỗ trợ CDC Bình Dương chạy thử hệ thống tách chiết của máy xét nghiệm. Để máy chạy, phải sử dụng Bộ kít tách chiết. Do trước đó, kit test mua của Việt Á đã dùng bộ tách chiết của VNDAT nên CDC Bình Dương đề nghị VNDAT tạm ứng kit tách chiết.
Giám đốc Giang đồng ý song khi làm thủ tục thanh toán lại không đồng ý với phương thức chỉ định thầu, với lý do công ty nhỏ, không đủ năng lực. Sở Y tế do đó chỉ đạo nếu VNDAT không thực hiện chỉ định thầu, CDC phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu.
Giang sau đó được Việt cho "mượn" pháp nhân Công ty Việt Á để làm thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng thanh toán số hàng với CDC Bình Dương. Giám đốc CDC báo cáo lại kế hoạch này và được ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch tỉnh phê duyệt, nhà chức trách xác định.
Theo cơ quan điều tra, tháng 7 và tháng 8/2021, ông Danh tự ký duyệt chỉ định 2 gói thầu cho Việt Á, trong khi thẩm quyền này phải do UBND tỉnh thực hiện. Công ty Việt Á đứng tên và làm thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng và thanh toán tiền với CDC Bình Dương. Sau khi nhận tiền từ CDC Bình Dương, theo thỏa thuận, Việt Á trừ tiền thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, số còn lại chuyển cho VNDAT, tổng hơn 40 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc tổng thiệt hại từ hai vụ vi phạm đấu thầu tại CDC Bình Dương là gần 56 tỷ đồng.
Cựu giám đốc CDC Bình Dương bị quy kết "chủ mưu cầm đầu" cả hai vi phạm, do có thỏa thuận, thống nhất với hai công ty, biết rõ sai phạm nhưng vẫn thực hiện. Ông chỉ đạo nhân viên liên hệ, phối hợp với nhân viên Việt Á và VNDAT để hợp thức hồ sơ, hợp đồng
Bộ Công an xác định, Giám đốc Sở Y tế Chương "có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu" do đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới mua kít test của Công ty Việt Á, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Tại cơ quan điều tra, ông Chương lý giải, chọn kit test của Việt Á hoàn toàn do "tình hình cấp bách" trong phòng chống dịch, không có cấp trên nào chỉ đạo phải mua của Việt Á.
Ông Chương khai khoảng cuối năm 2021, Việt Á "ngỏ ý tặng quà" nhưng ông không nhận, và đến nay cũng không hề nhận bất cứ lợi ích vật chất nào từ doanh nghiệp này.
Tại Sở Tài chính Bình Dương, C03 đánh giá, Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Huấn "có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do đã không thực hiện hết vai trò trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ tư vấn mua sắm.
Cơ quan điều tra giải thích xét bối cảnh dịch phức tạp, ông Chương khi đó vừa nhận chức Giám đốc Sở Y tế được một tháng, ông Huấn cũng phải kiêm nhiệm nhiều trách nhiệm nên xác định hai ông "không có động cơ vụ lợi cá nhân, không nhận tiền". Bộ Công an do đó không xem xét xử lý về hình sự mà chỉ đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và hành chính với hai ông.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.7055464-oan-eht-uhn-gnoud-hnib-o-oac-aig-tset-tik-nab-gnoud-nod-coud-a-teiv/ten.sserpxenv