Không chỉ đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp về miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí, đối với nghĩa vụ tài chính về đất đai, thời gian qua Bộ Tài chính đã chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp tiền, giảm tiền, miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Giảm, gia hạn hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuê đất
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ chi trong dự toán, chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh và chi an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách nhằm “khoan thư sức dân” trong bối cảnh liên tục mấy năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trên thực tế, những ưu đãi thuế ở vào thời điểm phù hợp, cần thiết, sẽ là cú hích thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ về thuế, phí, nhằm hỗ trợ và tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, đối với chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, trong 2 năm 2020, 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó cho phép các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được gia hạn nộp tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu của năm 2020, 2021; thời gian gia hạn là 5 tháng (năm 2020) và 6 tháng (năm 2021).
Liên tục rà soát các chính sách, bước sang năm 2022, nhận thấy doanh nghiệp còn khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp kỳ đầu của năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng.
Tiền miễn, chậm nộp sử dụng đất, thuê đất lên tới 5.300 tỷ đồng
Về miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; theo đó cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020. Theo thống kê của cơ quan thuế, tổng số miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong các năm 2020 - 2023 là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Trong năm 2023, để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế, đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023. Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023, theo đó cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.
Đối với chính sách về giảm tiền thuê đất, trong 2 năm 2020, 2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về việc giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, 2021 đối với người sử dụng đất thuê bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sang năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất của năm 2023; theo đó, giảm 30% tiền thuê đất cho các đối tượng đang thuê đất trực tiếp của Nhà nước dưới hình thức trả tiền thuê hàng năm. Tổng số giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước từ năm 2020 - 2023 là khoảng 8.019 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ tài khóa thúc đẩy kinh tế phát triển
Theo thống kê, trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Rất nhiều chính sách đã hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng người lao động, doanh nghiệp và người dân như: các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm thuế giá trị gia tăng, hay như hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất…
Gói hỗ trợ tài khóa đã giúp kinh tế tăng trưởng trở lại với nhiều mốc ấn tượng như trong năm 2022. Chính vì thế mà tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 với triển vọng ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
“Bộ Tài chính, đã triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Việc giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí trong đó có gia hạn giảm tiền thuê đất có ý nghĩa hết sức nhân văn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế. Đây là điều khá đặc biệt, thể hiện sự bình đẳng cũng như ý chí quyết tâm, chia sẻ và đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính”, ông Tô Hoài Nam nói./.
Xem thêm: lmth.89612000042210202--peihgn-hnaod-ort-oh-iad-tad-ev-iad-uu-euht-hcas-hnihc/nv.semitaer