Ngày 25-8, Bộ Nội vụ đã khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp năm 2023.
1.201 cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi
Phát biểu tại lễ khai mạc kỳ thi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết có 1.201 cán bộ, công chức, viên chức hành chính đăng ký tham gia kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp năm 2023.
Ở khối trung ương có 602 người, địa phương có 599 người. Trong số này, diện cán bộ lãnh đạo chiếm tỉ lệ cao.
Riêng ở địa phương, các cán bộ là phó chủ tịch HĐND, UBND gần 40 người. Ở trung ương, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ hoặc được quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương cũng rất cao.
Bà Trà nhấn mạnh đây là hoạt động công vụ để lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực, trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch thành chuyên viên cao cấp, bậc cao nhất của hệ thống chức danh công chức.
Bộ đặt ra những yêu cầu rất cao để kỳ thi thực sự lựa chọn được cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực, trình độ, kiến thức.
Theo bà Trà, những cán bộ ở trung ương khi bổ nhiệm là chuyên viên cao cấp phải có khả năng nhận định, đánh giá, xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mang tầm vĩ mô và khả năng tham mưu theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra của các cơ quan trung ương.
Đối với địa phương, đây là những cán bộ có khả năng dự báo, đánh giá, tham mưu hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng trên lĩnh vực ngành, quản lý nhà nước, nhất là đối với nhân sự làm lãnh đạo.
Những người này có khả năng vừa tham mưu, vừa lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xây dựng chiến lược phát triển cho địa phương, có tầm nhìn, tư duy để đảm bảo được năng lực quản trị tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Đây là kỳ thi rất đặc biệt
Cũng theo bà Trà, những công chức, viên chức vượt qua kỳ thi này sẽ có thêm điều kiện cần và đủ để bổ nhiệm vào chức danh chuyên viên cao cấp.
"Đây là kỳ thi rất đặc biệt. Chúng tôi coi đây là kỳ thi thông qua một chặng đường rất dài thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Nội vụ.
Chúng tôi đang cho đánh giá lại để từ đó chuyển đổi việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp", bà Trà nhấn mạnh.
Đồng thời cho hay từ đây, Bộ Nội vụ sẽ xem xét chức danh nào cần chuyên viên cao cấp ở địa phương, chức danh nào ở các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, coi như đạt chuyên viên cao cấp.
Việc này sẽ được phân cấp để thực hiện, ở trung ương cũng tương tự. Người đứng đầu ngành nội vụ nhận xét với tiêu chuẩn, điều kiện như hiện nay, số lượng chuyên viên cao cấp quá lớn.
Hiện Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo các cấp, từ đó xác định chuyên viên cao cấp quy định cụ thể như thế nào với từng chức danh.
"Như hiện nay, số lượng này lớn quá. Thực chất cũng có những chuyên viên cao cấp khi ở vị trí này nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng hệ thống thể chế chính sách", bà thừa nhận đây là vấn đề tồn tại, cần phải khắc phục để nâng chuẩn theo yêu cầu.
Một lần nữa nhấn mạnh "đây là kỳ thi đặc biệt", Bộ trưởng cho hay tới đây sẽ thay đổi hình thức để hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo với yêu cầu chất lượng cao nhất đối với chuyên viên cao cấp.
Kỳ thi diễn ra từ ngày 26 đến 31-8. Theo đó, sáng 26-8, công chức, viên chức thi trắc nghiệm trên máy tính môn kiến thức chung, chiều cùng ngày thi trắc nghiệm trên máy tính môn ngoại ngữ. Ngày 27-8, thi viết đề án và từ ngày 28 đến 31-8, thi bảo vệ đề án.
Hội đồng thi tổ chức chấm theo quy định, thống kê kết quả thi và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả trong tháng 9-2023.
Ngày 4-7, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có thông tin mới về việc sáp nhập huyện, xã.