Sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ thành công xuống Mặt trăng, Ấn Độ sẽ lập tức thực hiện dự án Aditya-L1 để nghiên cứu Mặt trời, theo báo Hindustan Times.
Tờ báo dẫn lời ông S. Somanath, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), cho biết sứ mệnh này gồm một vệ tinh có khối lượng 400 kg mang theo thiết bị tự hành VELC và dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo tầm thấp, cách Trái đất 800 km.
Được đánh giá là sứ mệnh phức tạp nhất từ trước đến nay của ISRO, Aditya L-1 dự kiến sẽ được khởi động vào tuần đầu tiên của tháng 9 tới.
Aditya L-1 sẽ mang theo 7 thiết bị để nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt trời, các cơn bão từ của Mặt trời và tác động của nó đối với môi trường xung quanh Trái đất.
Đáng chú ý nhất trong đó là kính viễn vọng chụp ảnh tia cực tím Mặt trời (SUIT), có nhiệm vụ thu thập dữ liệu các tia cực tím gần (bước sóng 200-400 nm) phát ra từ Mặt trời. Tiến sĩ Somak Raychaudhary, người tham gia phát triển SUIT, cho biết: "Đây là thiết bị rất độc đáo, được chế tạo hoàn toàn ở Ấn Độ".
Thiết bị thứ hai có tên VELC sẽ nghiên cứu vành nhật hoa, chụp ảnh quang học và ghi lại quang phổ - tức phân tách ánh sáng thành các bước sóng tạo các tia lửa mặt trời và các đám mây plasma khổng lồ.
Năm thiết bị còn lại chịu trách nhiệm thu thập và phân tích tia X và các hạt từ Mặt trời.
Nếu sứ mệnh này thành công, ISRO có thể tuyên bố "Mặt trời đã nằm trong túi của họ".
Một cơn bão Mặt trời cực mạnh tạo ra các hạt năng lượng cao va vào Trái đất, làm gián đoạn tín hiệu vô tuyến và điều hướng trên khắp Bắc Mỹ vào ngày 7-8.