Ngày 25-8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hội thảo "50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội".
Nhật Bản rà soát để cải thiện chế độ cho thực tập sinh
Tại hội thảo, ông Hanyuda Takashi - thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản - cho biết Chính phủ nước này đang xem xét, định hướng vẫn tiếp tục duy trì chức năng đào tạo nhân lực thông qua chương trình thực tập sinh, sử dụng hỗ trợ và bảo vệ thông qua các nghiệp đoàn quản lý của hệ thống hiện nay.
Lý do đằng sau là chế độ thực tập kỹ năng bắt đầu từ năm 1992 đến nay đã bộc lộ những hạn chế đáng kể như thực tập sinh chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản.
Nhiều trường hợp điều kiện lao động không được đảm bảo, thu nhập chưa cao, thực tập sinh không được chuyển nơi làm việc dù công việc không phù hợp.
Phía Nhật Bản cho biết trong lĩnh vực phòng chống mua bán người, Chính phủ nước này hỗ trợ xây dựng đường dây nóng 111 “Tăng cường tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người ở cấp độ khu vực".
Từ tháng 8, dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho thực tập sinh kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” được cũng bắt đầu.
Người Việt đứng đầu số lượng nhưng còn mặt trái, do đâu?
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức bắt đầu kể từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Sau 31 năm triển khai, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh và đang làm việc tại Nhật trong 15 nước ký kết phái cử.
Ông Phạm Viết Hương - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.
Tính đến cuối tháng 12-2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người, trong đó có khoảng 176.000 thực tập sinh kỹ năng và 77.000 thực tập sinh kỹ năng đặc định.
Một số dự án hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua bao gồm: thực tập sinh kỹ năng, lao động kỹ năng đặc định, đưa ứng viên điều dưỡng - hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên.
Hiện nay, cùng với việc số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh cũng tồn tại mặt trái là tình trạng thực tập sinh, lao động bỏ trốn khỏi nơi thực tập, cư trú làm việc bất hợp pháp. Xu hướng hiện giảm nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Nguyên nhân chính xuất phát từ việc một số doanh nghiệp phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý lao động. Nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước, tạo ra gánh nặng chi phí cho lao động.
Bên cạnh đó, một số xí nghiệp tiếp nhận thực tập sinh có điều kiện môi trường, làm việc chưa tốt và lao động phải trả chi phí cao hơn nhiều so với quy định.
Mặt khác, trong giai đoạn dịch COVID-19, nhiều lao động Việt Nam bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà.
Việc đồng yen Nhật bị mất giá đảng kể trong thời gian qua khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều.
Ngày 14/4, Cơ quan Dịch vụ nhập cư Nhật Bản cho biết vào ngày 21/4 tới, chính phủ sẽ giới thiệu hệ thống mới, đơn giản hơn để cấp thị thực tay nghề cao cho lao động nước ngoài.