Khắp nơi trên châu Âu đang xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ trong vài ngày qua, lính cứu hỏa ở Hy Lạp đã phải vật lộn để ngăn chặn ngọn lửa phá hủy những ngôi nhà gần thủ đô Athens.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất điện EDF của Pháp cho biết có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng hạt nhân vào cuối tuần do nắng nóng quá gay gắt, hay việc Ý đưa ra cảnh báo về sức khỏe ở mức ”khẩn cấp” và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đóng cửa một tuyến đường thủy quan trọng để dọn chỗ cho máy bay chữa cháy rừng gần đó.
Trong khi ở nhiều nơi xảy ra nắng nóng cực độ thì Na Uy lại phải hứng chịu mưa lớn, lũ lụt và lở đất trong những tuần gần đây, một lần nữa nước này lại phải đặt tình trạng báo động đỏ cấp cao nhất về mưa ở khu vực phía nam đất nước.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt của châu Âu vẫn đang diễn ra ngay sau khi ghi nhận tháng 7 là tháng nóng nhất trong lịch sử ở khu vực này. Nhiều chuyên gia dự đoán tình trạng thời tiết khắc nghiệt và tác động của nó sẽ còn tiếp diễn và dữ dội hơn.
Alvaro Silva, chuyên gia khí hậu thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc, cho biết: “Đây là điều bình thường và không có gì đáng ngạc nhiên. Tần suất và cường độ của nhiều hiện tượng cực đoan, như sóng nhiệt và lượng mưa lớn, đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Những biến đổi khí hậu này là do con người gây ra từ nguyên nhân chính là khí thải nhà kính. Trong dài hạn, thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng tăng và mức độ sẽ ngày càng nghiêm trọng”.