Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình UBND tỉnh này về việc cho thuê môi trường rừng.
Đây là lần thứ hai sở này có tờ trình đề nghị điều chỉnh quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa (ban hành tháng 12-2020) phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2029 của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.
Cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch
Hiện nay, tổng diện tích rừng ở phía nam tỉnh Khánh Hòa thuộc hai huyện Cam Lâm, Khánh Sơn và TP Cam Ranh do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý là hơn 30.212ha, trong đó có hơn 18.147ha rừng tự nhiên.
Ban quản lý rừng phòng hộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị điều chỉnh, mở rộng tăng tổng diện tích dự kiến cho thuê môi trường rừng hơn 16.130ha, chiếm hơn nửa tổng diện tích rừng phía nam tỉnh.
Từng khu vực rừng được đề nghị điều chỉnh, mở rộng cho thuê môi trường rừng cũng tăng lên gấp nhiều lần đã duyệt. Trong đó, có tới 6 khu dự kiến cho thuê chiếm từ hơn 1.745ha đến gần 3.000ha rừng/khu.
Mục đích của việc đề xuất mở rộng, tăng diện tích cho thuê môi trường rừng là để chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) tự khai thác hoặc hợp tác, cho các tổ chức, cá nhân "thuê môi trường rừng để khai thác kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí".
Tăng cho thuê môi trường rừng vì hiện "chưa khai thác triệt để"?
Theo phương án quản lý rừng bền vững của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã được UBND tỉnh phê duyệt (quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 31-12-2020), toàn bộ diện tích dự kiến cho thuê môi trường rừng theo quy định pháp luật lâm nghiệp, để tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu vực rừng phía nam tỉnh Khánh Hòa tổng cộng hơn 3.100ha, chỉ chiếm gần 10% tổng diện tích rừng đã nêu.
Diện tích dự kiến cho thuê môi trường rừng đó được phân tán thuộc 10 khu vực, chủ yếu tại các xã, thị trấn của huyện miền núi Khánh Sơn và hai xã Cam Phước Đông, Cam Phước Tây của huyện Cam Lâm.
Trong đó, khu vực đã được phê duyệt dự kiến cho thuê môi trường rừng có diện tích nhiều nhất là 575,8ha (tại hai xã Sơn Lâm, Sơn Bình của huyện Khánh Sơn) và ít nhất là 4,95ha (ở khu đỉnh đèo Khánh Sơn, thuộc xã Cam Phước Tây).
Nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, đến nay việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu vực rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý "vẫn chưa khai thác triệt để".
Từ đó, sở này đề nghị tỉnh điều chỉnh quyết định, mở rộng diện tích cho thuê môi trường rừng lên 16.130ha, gấp hơn 5,2 lần tổng diện tích theo quyết định mà tỉnh đã phê duyệt trước đó.
Phạm vi khu vực dự kiến cho thuê môi trường rừng theo đề nghị trên cũng tăng lên đến 46 tiểu khu, thuộc 20 khu ở nhiều xã của hai huyện Khánh Sơn, Cam Lâm. Trong đó, mở rộng lan ra tới cả hai xã Sơn Tân và Cam Tân, thuộc phía bắc huyện Cam Lâm.
Đề án du lịch phải theo phương án quản lý rừng được phê duyệt
Theo quy định pháp luật lâm nghiệp và nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ (được nêu trong chính tờ trình nói trên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa), "hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt"; "chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt".
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa bị thua kiện, do không giải quyết hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp làm dự án trồng rừng tại TP Nha Trang, vì trong đó có đất của nhiều hộ dân chưa được bồi thường.