Sau phiên giao dịch giảm mạnh với khối lượng giao dịch lập kỷ lục mới trên HoSE cuối tuần trước, thì đến tuần này, thị trường chứng khoán có nhiều biến động mạnh và phân hóa rõ nét. Hai phiên đầu tuần, VN-Index tiếp tục chịu áp lực bán mạnh về vùng giá quanh 1.150 điểm, nhưng sau đó đã phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự tâm lý 1.200 điểm và điều chỉnh trở lại.
Kết thúc tuần, VN-Index tăng 5,38 điểm (0,46%) so với tuần trước lên 1.183,37 điểm. HNX-Index phục hồi tốt hơn khi tăng 6,94 điểm (2,94%) lên 242,94 điểm. Tương tự, UPCoM-Index tăng 1,74 điểm (1,95%) lên 91,01 điểm.
Thanh khoản giảm mạnh trong tuần giao dịch từ 21 - 25/8. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 22.781 tỷ đồng/phiên, giảm 21,3% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 24,7% và đạt 20.400 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thông tin trên được cho là tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản và đây cũng là động lực giúp nhóm ngành này có sự hồi phục nhất định ở một số phiên.
Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 21 - 25/8 có 59 mã tăng và 53 mã giảm giá. Cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh gây bất ngờ khi tăng đến hơn 11,4% chỉ sau một tuần giao dịch, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn chịu những rung lắc đáng kể.
Theo biên bản họp và nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 17/8, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services - DXS) đã thống nhất thông qua việc Tập đoàn Đất Xanh tăng tỷ lệ sở hữu mà không phải thực hiện chào mua công khai. Tập đoàn Đất Xanh dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 27,5 triệu cổ phiếu DXS từ các quỹ thành viên của VinaCapital, Dragon Capital. Sau giao dịch, Đất Xanh sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Đất Xanh Services từ 60% lên 66%. Giá giao dịch dự kiến theo thỏa thuận giữa các bên. Mức giá thỏa thuận dự kiến nằm ngoài biên độ giao dịch cổ phiếu DXS tại thời điểm dự kiến chuyển nhượng. Trong khi DXG tăng mạnh thì DXS chỉ tăng 0,93%.
CEO của Tập đoàn C.E.O cũng gây chú ý khi tiếp tục tăng 8,75%. Doanh nghiệp này mới đây công bố loạt thông tin về việc người nội bộ và người có liên quan đến tập đoàn đăng ký thực hiện giao dịch quyền mua cổ phiếu CEO.
TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy tăng 8,7%. Công ty này mới thông qua nghị quyết HĐQT về việc tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận 500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức là 5/9/2023. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 15/9.
Trong khi đó, dẫn đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là VRG của CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam với hơn 25%. Tuy nhiên, cổ phiếu này nằm trong diện thanh khoản rất thấp.
Ở chiều ngược lại, BIG của CTCP Big Invest Group giảm giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản với hơn 15,5%. Các mã tiếp theo gồm XDH của CTCP Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội, MGR của Tập đoàn MGROUP và PLA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Xăng dầu (PLAND) đều có mức giảm trên 10%. Điểm chung của các cổ phiếu này là đều nằm trong diện thanh khoản rất thấp.
Cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG tiếp tục gây chú ý khi giảm gần 8,3%. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 520 triệu đồng với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG. Đồng thời, ông Hưng bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng. Tại ĐHĐCĐ năm 2023 tổ chức ngày 23/8, chia sẻ về việc bán chui hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG mới đây, ông Hưng gửi lời xin lỗi đến cổ đông công ty và khẳng định không có âm mưu gì trong sự việc này. Ông cho biết thêm, thời gian qua công ty gặp khó khăn, ông và ban Tổng Giám đốc đã dùng tài sản cá nhân để duy trì hoạt động công ty.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm bất động sản, cổ phiếu họ Vin gồm VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail đều giảm so với tuần trước. Diễn biến các cổ phiếu họ Vin tại thị trường chứng khoán Việt Nam có phần trái ngược với VFS VinFast tại thị trường chứng khoán Mỹ. Trong phiên 25/8, cổ phiếu VFS tăng lên 8,77 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của VinFast đạt gần 160 tỷ USD, giúp hãng xe điện đến từ Việt Nam giữ vững vị trí top 3 những công ty sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất toàn cầu, chỉ sau Tesla và Toyota.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, nhìn chung VN-Index đang dần ổn định trở lại quanh vùng 1.180 - 1.200 điểm và diễn biến này có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong một vài tuần tới trước khi xuất hiện xu hướng mới.
Thị trường cũng như VN-Index đều đang dần ổn định trở lại sau phiên rơi mạnh cuối tuần trước, đi cùng diễn biến phân hóa tương đối rõ rệt giữa các cổ phiếu. Với các mã đang có xu hướng bứt phá khỏi nền tích lũy trong tuần qua, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò nhưng không nên mua đuổi giá trong phiên. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần dứt khoát hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu chạm ngưỡng cắt lỗ, nhưng nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể để ý theo dõi thêm những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá chưa biến động nhiều trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, để tìm kiếm cơ hội giải ngân tích lũy nhằm đa dạng hóa danh mục cũng như để quản trị rủi ro./.
Xem thêm: lmth.62712000042210202-8-52-12-naut-gnort-hnam-cuhp-ioh-nas-gnod-tab-ueihp-oc-ueihn/nv.semitaer