Năm học 2023-2024, học sinh phổ thông cả nước sẽ học theo hai chương trình. Các lớp 5, 9, 12 sẽ học chương trình phổ thông 2006 với một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.
Các lớp còn lại sẽ học theo chương trình phổ thông 2018 với nhiều bộ sách do các trường chọn lựa. Trong đó học sinh lớp 4, 8, 11 là những học sinh đầu tiên học sách giáo khoa mới của khối này.
"Không biết khi nào có"
"Trường em đã bắt đầu năm học mới nhưng đến nay em mới chỉ nhận được một số cuốn sách như toán, văn, lịch sử, địa lý... Nhiều cuốn như kinh tế pháp luật, an ninh quốc phòng em chưa có. Trường nói chưa được giao đủ sách nên đang chờ. Em cũng không biết khi nào mới có sách" - học sinh tên T. (lớp 11 tại một Trường THPT tư thục ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vào ngày 25-8.
T. cho hay trường em chọn học theo bộ sách Chân trời sáng tạo nhưng có xen lẫn các sách thuộc bộ Kết nối tri thức. Đã đăng ký với trường nhưng học sinh vẫn chưa được phát đủ vì sách chưa về. "Em cũng nhờ ba em ra nhà sách mua nhưng không có" - T. nói.
Em Minh - học sinh lớp 11 khác tại quận 10 - cũng cho biết: "Em tìm mua sách bộ Chân trời sáng tạo nhưng đi mấy nhà sách đều không có, gom sách lẻ thì cũng không đủ" - Minh cho biết.
Để chuẩn bị năm học mới, nhiều trường THCS theo lựa chọn của bộ phận chuyên môn sẽ đặt các đầu sách giáo khoa đã chọn để cung ứng cho học sinh. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến ngày 26-8 nhiều trường bị thiếu đơn hàng và thiếu nhiều nhất là sách giáo khoa lớp 8.
"Chúng tôi thiếu nhiều sách lắm, chắc khoảng 40% đơn hàng. Công ty cứ hẹn hoài, hết lần này đến lần khác mà giờ cũng chưa biết đến bao giờ mới có. Sách khối nào cũng thiếu nhưng đặc biệt thiếu sách lớp 8" - hiệu trưởng một trường THCS nói.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết năm nay trường cũng đặt sách giáo khoa cho học sinh theo chương trình mới. Nhưng theo yêu cầu cung ứng của trường thì trường vẫn đang bị thiếu 5, 6 đầu sách.
"Tôi hy vọng sẽ được bổ sung trong những ngày tới. Học sinh, phụ huynh cứ đến trường hỏi mua nhưng nhà trường đành hẹn. Nếu kịp về vào ngày 28-8 chúng tôi sẽ yêu cầu học sinh đến lấy luôn" - vị hiệu trưởng này cho biết.
Nhà sách cũng khó tìm
Trong khi đó, ở những nhà sách, học sinh và phụ huynh cũng không dễ tìm mua sách giáo khoa. "Tôi tìm mua cho con cuốn sách tin học, mỹ thuật lớp 5 mà cả tuần đi mấy nhà sách đều không có. Hôm qua, tôi đến ba nhà sách nữa thì may quá mua được cuốn sách mỹ thuật lớp 5" - chị Phương, một phụ huynh tại quận 5, cho biết.
Ghi nhận tại nhà sách Phương Nam, hầu hết sách giáo khoa những lớp mới như 8, 4 không có sách bộ, chỉ có sách lẻ. Nhân viên bán hàng giải thích các loại sách giáo khoa mới bộ Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức... chưa có sách bộ. Tình hình đó cũng diễn ra tại một số nhà sách khác như tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Fahasa.
Bà Phạm Thị Hóa - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) - nói: "Sách giáo khoa hiện nay có ba bộ, quá nhiều cuốn sách. Do đó, có thể có tình trạng mỗi lớp thiếu sách môn học này của bộ này hoặc bộ khác...
Cùng một địa phương nhưng trường này học bộ này, trường kia học bộ kia. Ngay cả một môn học có quá nhiều cuốn nên nhà sách không đủ. Do việc dùng sách giáo khoa như vậy nên Fahasa không "bắt bộ" đối với sách giáo khoa mới. Đó là lý do vì sao phụ huynh khó mua sách giáo khoa theo bộ ở các nhà sách".
Bà Hóa nói thêm Fahasa coi sách giáo khoa là một mảng quan trọng vì tính chất phục vụ thiết yếu cho người dùng. Nhưng bà Hóa cũng cho biết với nhiều đầu sách như năm nay việc kinh doanh sách giáo khoa sẽ khó chung toàn thị trường.
Trong khi đó, ngày 25-8, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại TP.HCM nói rằng đã kiểm tra thông tin khó mua sách giáo khoa mà Tuổi Trẻ phản ánh.
Theo đó, qua kiểm tra Nhà xuất bản Giáo Dục tại TP.HCM thấy Công ty Sách thiết bị trường học TP.HCM đã giao đủ sách giáo khoa tiểu học và THCS mà các phòng GD-ĐT hoặc các trường đặt theo số lượng đăng ký.
Riêng đối với sách giáo khoa bậc THPT, do một số trường thay đổi bộ sách học (ví dụ năm ngoái học Chân trời sáng tạo năm nay đổi qua Kết nối tri thức) nên việc cung ứng còn thiếu một số tựa như công nghệ, mỹ thuật.
"Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại TP.HCM vẫn đang tiếp tục chuẩn bị nguồn sách bổ sung cho khu vực TP.HCM bằng các giải pháp in gấp nhập nhanh, điều chuyển sách giữa các địa phương và giữa các miền để đáp ứng nhu cầu phát sinh" - vị này nói với Tuổi Trẻ.
"Đường dây nóng" hỗ trợ mua sách giáo khoa
Theo Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, đường dây nóng của đơn vị này là 0377 333 545 đã duy trì hoạt động liên tục từ 8h đến 22h hằng ngày kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Phụ huynh và học sinh cần thông tin về địa chỉ mua sách giáo khoa có thể gọi đến đường dây nóng để được hỗ trợ.
Cũng theo Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, ngoài mua ở trường, nhà sách, học sinh và phụ huynh có thể tìm mua sách tại các địa chỉ sau:
- Cửa hàng Sách giáo dục: 231 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5;
- Trung tâm Sách và Thiết bị giáo dục miền Nam: 240 Trần Bình Trọng, P.4, Q.5;
- Nhà sách và thiết bị trường học Nguyễn Tri Phương: 223 Nguyễn Tri Phương, P.9, Q.5;
- Cửa hàng số 123 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh.
"Tồn kho chỉ còn cách cân ký"
Bà Phạm Thị Hóa cho biết nguồn cung sách giáo khoa năm nay đỡ hơn, không khó khăn "nhưng chỉ hơi chậm một chút".
Theo bà Hóa, việc không đủ sách giáo khoa trên kệ còn do nguyên nhân khách quan khác. Đó là không biết học sinh sẽ chọn học cuốn nào nên Fahasa không thể dự trữ hết được, nhất là thời điểm cuối mùa. Sách giáo khoa tồn kho thì năm sau mới bán được.
Riêng với sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 năm sau thay, nếu tồn kho thì nhà sách chỉ còn cách "cân ký".
Hàng ngàn cuốn sách giáo khoa nghi giả sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam được lực lượng quản lý thị trường chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.