Theo Bộ Tài chính, kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có kiểm soát chặt chẽ để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân cũng như đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Bán trực tiếp để hạn chế rủi ro cho người mua
Vé số truyền thống chỉ được phép phân phối qua các công ty xổ số kiến thiết bán trực tiếp cho khách hàng hoặc hệ thống đại lý xổ số có ký kết hợp đồng đại lý.
Như vậy, pháp luật chưa cho phép bán vé số qua Internet và việc "mua vé số hộ". Bộ Tài chính cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân hiện đang phân phối vé xổ số qua mạng Internet phải chấm dứt kinh doanh không đúng quy định.
Người dân chỉ nên mua trực tiếp vé số từ hệ thống đại lý xổ số. Khách cũng nên mua vé tại nơi được cấp phép và lưu giữ vé để nhận giải khi trúng thưởng. Tuyệt đối không mua vé xổ số qua Internet hoặc vé số nước ngoài phát hành tại các trang web, ứng dụng.
Ông Âu Văn Dự - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Sóc Trăng - cho biết công ty đang thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và nghị quyết của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực phía Nam. "Vé số là ngành kinh doanh có điều kiện, chúng tôi phải tuân thủ theo quy định. Khi nào có điều chỉnh từ cấp trên, chúng tôi sẽ thực hiện theo", ông Dự cho hay.
Còn ông Lê Thanh Hải - chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Cà Mau - nói rằng ở góc độ công ty thì người bán vé số bán càng nhiều càng tốt, mình dùng chính sách khác mình ràng buộc họ. "Nhưng mà dẫu sao thì đây cũng là quy định nên phải tuân thủ. Giờ công ty cũng đã thông báo cho các đại lý về việc không được bán vé số online", ông Hải nói.
Nên cho bán vé số online nhưng có kiểm soát
Ông T.V.P. - đại lý vé số cấp 3 tại Cà Mau - cho biết trước đây lượng vé số bán online của ông còn cao hơn bán trực tiếp nhưng gần đây đã sụt giảm vì công ty siết chặt việc bán vé số online. "Tôi nghĩ Nhà nước cần can thiệp vấn đề này để người dân được bán số online có điều kiện sẽ hợp lý hơn", ông P. nêu ý kiến.
Chị Trần Thị Út - đại lý vé số cấp 3 tại Cà Mau - cho rằng bán vé số online đa phần cả người bán và người mua đều dựa vào uy tín nên vấn đề phát sinh cũng không lớn. Người mua có niềm tin mới mua, họ thường trả tiền và nhận vé trước khi xổ.
"Tui đề nghị có quy định cho người bán online nhưng phải ghi thông tin số chứng minh nhân dân và tên của người mua vào tờ vé số. Như vậy sẽ quản lý được vấn đề tranh chấp, pháp lý ngay", chị Út nói.
Chủ đại lý vé số H.D. (tỉnh Bình Phước) cho rằng quy định cấm bán vé số online là không phù hợp và đi ngược lại xu thế. Bán vé số online có lợi, góp phần thu ngân sách cho Nhà nước.
Ông này dẫn chứng các cơ quan xí nghiệp có hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân, họ không ra ngoài mua được thì họ mua online. Người bán vé số vùng sâu vùng xa mưa gió, trong tháng 7-2013 có 12 ngày mưa dầm liên tục mà không nhờ bán online thì họ lấy gì sống.
Ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng thay vì cấm như vậy, nên có giải pháp thích hợp hơn trong bối cảnh xã hội giai đoạn 4.0 như đẩy mạnh phát hành điện tử. Với nguồn thu lớn từ xổ số, chúng ta "dư sức" để phát triển hệ thống 4.0 tiện lợi, hợp xu thế hiện nay, thay vì phải cấm đoán.
"Dù là online hay trực tiếp thì Nhà nước vẫn thu được nguồn thu chính đáng về ngân sách", ông Hiển nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang thúc đẩy chuyển đổi số, không nên bỏ qua lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, nếu như hoạt động kinh doanh dịch vụ vé số thời gian qua phát sinh các rủi ro, hệ lụy, vi phạm hay tiêu cực thì cơ quan quản lý nên nghiên cứu, tổng kết để tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.
Có cách để quản lý rủi ro
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật ANVI - không ủng hộ hình thức không quản được thì cấm như vậy.
"Sau mấy năm dịch COVID-19, hình thức giao dịch trực tuyến phát triển rất mạnh mẽ, phổ biến, mua bán vé số cũng không ngoại lệ. Nhiều người vì bận rộn không muốn đến trực tiếp, có thể giao dịch qua mạng xã hội, rất tiện lợi", ông Đức nói.
Ông Đức cho biết có ba loại hợp đồng giao dịch phổ biển từ trước đến nay: văn bản, hành vi, lời nói... Với trường hợp giao dịch trực tuyến bằng mạng xã hội như vậy là hình thức cam kết, thỏa thuận bằng hành vi, rất phổ biến trong thời đại chuyển đổi số. "Bất kỳ hình thức nào cũng có rủi ro nhất định, song không thể vì thế mà bỏ, không sử dụng", ông Đức nhấn mạnh.
Với lo ngại một tờ vé số có thể chụp hình đăng lên mạng người bán có thể bán được cho nhiều người hoặc phát sinh tranh chấp khi vé trúng thưởng lớn, ông Đức cho rằng với mặt hàng/dịch vụ nào cũng có rủi ro, không riêng gì vé số.
Vậy tại sao phải cấm, chưa kể các đại lý họ muốn làm ăn được, họ cũng phải giữ chữ tín. Nếu có phát sinh tranh chấp, sẽ xử lý theo quy định pháp luật, ông Đức bày tỏ băn khoăn.
Về giải pháp, ông Đức cho rằng nên kiến nghị sửa lại thông tư 75 của Bộ Tài chính về phương thức phân phối các sản phẩm xổ số đến tay khách hàng. Thay vì cấm đoán, cơ quan quản lý chỉ nên khuyến cáo. "Nghe khuyến cáo, khách hàng hay đại lý tự nhận thấy rủi ro, lo ngại rủi ro thì giao dịch mua bán trực tiếp", ông Đức nhấn mạnh.
Còn về lâu dài, ông Đức cho rằng nên đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào lĩnh vực xổ số truyền thống. Thay vì phát hành vé giấy, đẩy mạnh bán điện tử.
* Ông Trần Khắc Tâm (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng):
Đã đến lúc thay đổi
Không chỉ riêng lĩnh vực xổ số mà tất cả các ngành đều hướng đến số hóa và chuyển đổi số để thuận tiện hơn và bắt kịp với xu thế quốc tế. Vậy tại sao Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực phía Nam lại không muốn cho người dân mua bán vé số online?
Họ viện dẫn quy định thông tư 75 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động kinh doanh xổ số ra để cấm, bởi lo ngại hoạt động này sẽ nảy sinh những tranh chấp không đáng có.
Tuy nhiên tôi cho rằng đây là một quan điểm cứng nhắc và có phần mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ việc bán vé số online nở rộ trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đã "nuôi sống" các công ty xổ số và những người bán vé số. Doanh thu của các công ty xổ số trong thời điểm ấy phần nhiều đến từ việc bán online của các đại lý.
Một câu hỏi được đặt ra: Chắc chắn họ biết việc bán online thời điểm dịch bệnh phát triển rất mạnh nhưng sao không cấm, mà đến bây giờ mới cấm? Một vấn đề nữa là các công ty xổ số nói rằng lo ngại những tranh chấp nảy sinh từ việc bán vé số online. Vậy thử hỏi, từ thời điểm bắt đầu bán vé số online đến nay, đã thống kê được có bao nhiêu vụ tranh chấp liên quan đến việc bán vé số online? Điều này cần làm rõ và đưa ra các số liệu minh chứng để các đại lý và người dân "tâm phục, khẩu phục".
Hơn nữa cũng không nên lấy một vài sự việc nhỏ lẻ để phủ nhận một việc kinh doanh đang phát triển rất tốt và thuận tiện cho người dân. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy được việc bán vé số online chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và kinh tế cho cả người mua và người bán.
Người dân có thể ở nhà mua vé số mà không cần ra đường, tiết kiệm được thời gian, xăng xe. Còn những đại lý, người bán vé số cũng đỡ vất vả hơn đi bán rong. Vậy, không có lý gì mà chúng ta không ủng hộ một việc kinh doanh lợi cả đôi đường.
Tôi cho rằng điều 12 thông tư 75 ban hành ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số (quy định về phân phối vé xổ số không được phân phối qua các kênh: điện thoại, các thiết bị điện tử, Internet và phương tiện viễn thông khác) đến nay không còn phù hợp.
Đã đến lúc thay đổi. Và việc kiến nghị để thay đổi trước hết cần bắt đầu từ các công ty xổ số và hội đồng xổ số kiến thiết khu vực.
Bộ Tài chính nêu rõ vé số qua mạng Internet hoặc vé số nước ngoài phát hành qua các trang web, ứng dụng không đúng quy định, có thể bị lừa đảo.