vĐồng tin tức tài chính 365

Sắc vàng đầy mê hoặc trong thế giới ẩm thực

2023-08-27 13:09

 

Dẫu chỉ giúp bổ sung cảm nhận xa xỉ cho các món ăn, sắc màu óng ánh kinh điển của vàng vẫn khiến vô số thực khách không thể rời mắt  ẢNH MINH HỌA: THE SPRUCE EATS
Dẫu chỉ giúp bổ sung cảm nhận xa xỉ cho các món ăn, sắc màu óng ánh kinh điển của vàng vẫn khiến vô số thực khách không thể rời mắt.  Ảnh minh họa: The Spruce Eats

Doanh nhân, chuyên gia marketing Sebastien Jeanneret từng bôn ba qua nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ vì lịch trình công việc bận rộn. Người đàn ông Thụy Sĩ ấy luôn ấp ủ ước mơ xây dựng hãng sản xuất sô cô la của riêng mình. Ngày nọ, tình cờ đến một nhà hàng tại thành phố New York, Jeanneret lần đầu nếm thử một món ngon mới lạ: sushi cuộn vàng lá. “Tôi chợt nghĩ những miếng sushi vàng trông rất thú vị nhưng ánh vàng này hẳn còn bắt mắt hơn nữa nếu kết hợp cùng sô cô la. Vàng - biểu trưng cho cái đẹp vĩnh cửu, sánh đôi cùng sô cô la - biểu tượng của tình yêu. Đây có thể là mối duyên tiền định chăng?” - anh hồi tưởng. 

Ít lâu sau, Jeanneret thành lập DeLafee - đến nay được mệnh danh là một trong những thương hiệu sô cô la bọc vàng bán chạy nhất thế giới.   

Sức hút "đắt xắt ra miếng" 

Phần lớn trữ lượng vàng con người khai thác được dùng để chế tác trang sức. Tuy nhiên, vàng cũng là nguyên liệu quen thuộc trong ngành y, nha khoa, kể cả ẩm thực. 

Vàng ăn được (loại vàng 22 - 24k có độ tinh khiết cao nhất, an toàn với đường tiêu hóa) xuất hiện trong nhiều nền ẩm thực từ nhiều thế kỷ trước. Các pha-ra-ông thời Ai Cập cổ đại được cho là những người đầu tiên sử dụng vàng để tô điểm món ăn. Thuộc tính không bị ăn mòn hay ô xy hóa cùng sự quý hiếm đặc trưng của vàng khiến người Ai Cập tin rằng nó có thể giúp chữa lành vết thương, giữ cơ thể tươi trẻ. Đến thế kỷ XVI, giới quý tộc châu Âu bắt đầu dùng một số kim loại quý như vàng, bạc trang trí thức ăn ở những bữa yến tiệc xa hoa.  

Kẹo mút thủ công của thương hiệu kẹo A Secret Forest (Mỹ) được trang trí với cánh hoa anh đào và vàng lá - Nguồn ảnh: Etsy
Kẹo mút thủ công của thương hiệu kẹo A Secret Forest (Mỹ) được trang trí với cánh hoa anh đào và vàng lá - Nguồn ảnh: Etsy

Thời nay, tại không ít nhà hàng cao cấp từ khu vực Âu Mỹ đến Nhật Bản, Ấn Độ, vàng lá và vàng bụi trở thành điểm nhấn trang trí ấn tượng cho nhiều món khai vị, xúp, món chính, đồ tráng miệng, cocktail, cà phê… 

“Vàng có tính trơ, không có vị cụ thể, không bị hòa tan bởi dịch tiêu hóa nhưng cũng không tích lũy, gây hại cơ thể. Tuy không thể tăng cường hương vị hay chất lượng dinh dưỡng cho thức ăn, vàng vẫn được ưa chuộng trong thị trường ẩm thực vì giá trị quý hiếm lẫn sắc màu đậm chất thẩm mỹ” - Jeanneret lý giải.

Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu đã cho phép sử dụng vàng ăn được như phụ gia thực phẩm. Ở DeLafee, những viên sô cô la bọc vàng được sản xuất hoàn toàn theo phương thức thủ công. Đề cao tiêu chí chất lượng và nghệ thuật, công ty gần 10 năm tuổi không chỉ được yêu thích bởi sản phẩm sô cô la vàng. Hãng còn tạo tiếng vang với các sản phẩm khác: sâm panh, trà và kẹo mút trang trí bằng vàng 24k ăn được.

Chỗ đứng riêng trong văn hóa ẩm thực 

“Vẻ đẹp, tính chất quý giá của vàng hẳn nhiên đã được công nhận rộng rãi. Nhiều thực khách muốn nếm thử sự quý hiếm đúng nghĩa ấy trên bàn ăn, xem đó như một trải nghiệm tận hưởng cuộc sống” - Winston Chesterfield - Giám đốc Wealth-X, công ty cung ứng dữ liệu tài chính nổi tiếng tại Mỹ - cho biết.  

DeLafee là một trong những hãng sô cô la đắt nhất thế giới, nổi tiếng với sản phẩm sô cô la viên bọc vàng 24k nguyên chất - Nguồn ảnh: DeLafee
DeLafee là một trong những hãng sô cô la đắt nhất thế giới, nổi tiếng với sản phẩm sô cô la viên bọc vàng 24k nguyên chất - Nguồn ảnh: DeLafee

“Theo trào lưu quốc tế, thức ăn tại nhà hàng sang trọng ngày càng được chú trọng về hình thức, khiến chúng trở nên giàu tính nghệ thuật. Vàng tạo ra nét điểm xuyết lý thú, có thể giúp một món ngon ghi dấu ấn khó quên với người thưởng thức, đồng thời phản ánh tư duy cạnh tranh của các đầu bếp. Họ luôn muốn đổi mới thực đơn, thu hút thêm khách hàng” - Chesterfield nói.

Tại phương Tây, món ngon phủ vàng theo phong cách tinh tế nhưng không xa hoa quá mức đang được đánh giá cao. Một ví dụ là Chocolate Kirsch, món bánh ngọt sô cô la kèm xốt kem rượu anh đào, rắc bụi vàng. Đây là món ngon đắt khách của đầu bếp tài hoa gốc Pháp Gabriel Kreuther, người thành danh ở New York với nhà hàng cùng tên. 

Cũng tại “thiên đường ẩm thực” New York, Serendipity 3 là nhà hàng nổi danh với một loạt kỷ lục Guinness về những món ăn dát vàng đắt nhất thế giới. Stephen Bruce - giám đốc sáng lập nhà hàng, người say mê kết hợp vàng để tạo thành nhiều thực đơn sang trọng hiếm có - bày tỏ: “Vàng giúp chúng tôi xây dựng các món ăn kỳ lạ, có phần dị biệt nhưng đây là điểm lôi cuốn thực khách đến với nhà hàng. Vàng là một trong những chất liệu cao cấp hàng đầu biến nấu nướng thành một hình thái nghệ thuật thực thụ”. 

Sandwich phô mai nướng dát vàng của  nhà hàng Serendipity 3 có giá hơn 5 triệu  đồng/phần - Nguồn ảnh: Serendipity3
Sandwich phô mai nướng dát vàng của nhà hàng Serendipity 3 có giá hơn 5 triệu đồng/phần - Nguồn ảnh: Serendipity3

Ở Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ trang sức vàng lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), làn sóng thức ăn phủ vàng đang lan nhanh hơn nhờ những chiếc bánh mì kẹp thịt thoạt trông có vẻ bình dân. 
Nhà hàng tại Mumbai có tên Louis Burger từng “gây sốt” năm 2021 với thiết kế bánh mì “Hoàng gia” gồm một số nguyên liệu đắt đỏ như nấm truffle và lớp bánh bọc vàng lá bên ngoài. Ra mắt không lâu, món bánh đã nhanh chóng “cháy hàng”.  

Từ lâu, vàng bụi và vàng lá đã góp mặt trong nhiều thực đơn truyền thống của người Ấn. Mùa lễ hội, các gian hàng thực phẩm thường bày bán những giỏ quà tặng sang trọng với trái cây, ngũ cốc phủ bột vàng, bạc. 

“Từ xa xưa, vàng đã gắn liền với đời sống tinh thần và văn hóa ẩm thực phương Đông. Nền ẩm thực cổ điển Ấn Độ, Ba Tư đều ghi nhận sự hiện diện của vàng như một điểm nhấn không thể thiếu, phổ biến hơn cả ở các món mặn từ thịt” - Pradipt Sinha - Giám đốc mảng thực phẩm và thức uống của khách sạn Crowne Plaza, thủ đô New Delhi - chia sẻ.

Nhà hàng chuyên về món ăn dát vàng tại khách sạn Taj Mahal, Delhi, Ấn Độ - Nguồn ảnh: Handout
Nhà hàng chuyên về món ăn dát vàng tại khách sạn Taj Mahal, Delhi, Ấn Độ - Nguồn ảnh: Handout

Được xem như một trong những nguyên liệu thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới, 500g vàng lá có giá ước tính khoảng 15.000 USD (hơn 370 triệu đồng). 

Việc thưởng thức vàng trên một đĩa thức ăn, dẫu không thật sự đem lại lợi ích sức khỏe vẫn cuốn hút một số người sành ăn luôn muốn tìm kiếm thêm trải nghiệm, tận hưởng sự độc đáo, mới lạ. “Tôi đoán, cũng tương tự nhiều trào lưu ăn uống của giới thượng lưu hiện đại, những thực phẩm phủ vàng hấp dẫn công chúng thuần túy vì sự quý giá lẫn tiềm năng sáng tạo dường như vô tận ở chúng” - chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Deborah Orlick Levy lý giải.

“Từ một món mặn cầu kỳ trên bàn tiệc cho đến viên kẹo nhỏ đều có thể được nâng tầm rõ rệt nhờ vàng. Lịch sử chứng minh, sự có mặt của các nguyên liệu quý giá, độc đáo, có thể biến thức ăn thành một tác phẩm nghệ thuật đáng nhớ… không chỉ làm hài lòng vị giác mà còn kích thích các giác quan khác trong bạn” - Chesterfield - Giám đốc Wealth-X, bổ sung. 

Như Ý

Xem thêm: lmth.6549941a-cuht-ma-ioig-eht-gnort-caoh-em-yad-gnav-cas/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Sắc vàng đầy mê hoặc trong thế giới ẩm thực ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools