Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM cho triển khai đề án thí điểm "Đào tạo tập trung trên nền tảng số" đối với đào tạo nghề lái ô tô với phần lý thuyết qua điện thoại, máy tính, trang web... dành cho các hạng B (B1, B2), C.
Đa số người đang muốn học để có bằng lái sẽ thấy đồng thuận nhưng Tuổi Trẻ muốn ghi nhận thêm ý kiến nhiều bên. Mời quý bạn đọc cùng chia sẻ quan điểm.
Ông Bùi Hòa An (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Dạy lái xe online phù hợp nhu cầu người dân
Từ nhiều năm qua, hình thức dạy lý thuyết lái ô tô tồn tại một số điểm bất cập. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định học viên phải học lái xe tập trung ở cơ sở đào tạo khiến nhiều người gặp khó vì không thu xếp thời gian.
Việc triển khai thí điểm dạy lái ô tô hạng B (B1, B2) online tức là gồm các môn lý thuyết lái xe như pháp luật giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải, đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, môn kỹ thuật lái xe. Thời gian đề xuất thí điểm là hai năm kể từ ngày chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được thay thế.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá dạy lái xe online có cơ sở pháp lý, phù hợp xu hướng chung của thế giới là công nghệ số. Với hình thức này, học viên sử dụng máy tính, điện thoại, trang web... tự học, trao đổi kiến thức với người dạy, người học khác mọi lúc, giúp học viên tiết kiệm được chi phí đáng kể, linh động sắp xếp thời gian học...
Kết thúc phần học lý thuyết, học viên tham gia học thực hành rồi thi tập trung như bình thường. Điều này phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân đang muốn học lái xe.
Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Làm sớm, xem xét mở rộng tại TP.HCM
Các nước trên thế giới đã tiến hành dạy lái ô tô online từ rất lâu đem lại hiệu quả cao. Ví dụ ở Mỹ, người dân có nhu cầu thi bằng lái thì được tự học lý thuyết ở nhà thông qua mạng hoặc tài liệu được nơi tổ chức thi cấp. Đến khi muốn thi họ đăng ký thi lý thuyết, tập thực hành rồi đăng ký đi thi thực hành.
Quy trình này giúp người dân dễ tiếp cận, đỡ tốn thời gian và tiền bạc. Bên cạnh đó, dạy lý thuyết online còn góp phần giảm bớt các tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình dạy tập trung.
Tại Việt Nam, rất nhiều tài xế và chủ doanh nghiệp từng bày tỏ mong chờ sớm được học lý thuyết lái xe online như vậy. Thậm chí, nếu kết quả thí điểm tốt thì TP.HCM tính toán mở rộng ra các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn nhằm tạo sự đồng bộ, đem lại chất lượng đào tạo cao hơn.
Anh Nguyễn Tiến Luật (một người dân sống tại quận Tân Bình):
Người học dễ dàng nhưng cần có công cụ giám sát
Tôi đang đi làm ở quận Phú Nhuận và có nhu cầu học bằng lái xe hạng B để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Trong khi đó, tôi làm giờ hành chính từ 7h sáng đến 5h chiều mỗi ngày. Như vậy, tôi không thể xin nghỉ làm để đi học lái xe được nên đành "bó tay". Vì thế, tôi nghĩ việc dạy và học online giúp tôi linh động giờ học, rảnh giờ nào học giờ đó rất tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, các đơn vị nên nghiên cứu và có hình thức điểm danh online. Đồng thời có những bài thi thử để học viên chủ động học online và thi thử online tại nhà.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải hướng dẫn rõ quy trình học cho người dân nắm bắt. Khi học, nếu học viên có thắc mắc cần giải đáp hoặc phần lý thuyết nào đó chưa hiểu thì liên hệ thầy ra sao cũng cần thông tin rõ ràng.
Đại biểu Ngô Trung Thành (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Cần thí điểm để chỉ rõ mặt tích cực,hạn chế
Trong thời đại hiện nay khi chuyển đổi số, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ thì việc đề xuất cho đào tạo lái xe với phần lý thuyết cho học viên qua hình thức online tôi cho là hợp lý.
Phải khẳng định rằng đào tạo lái xe hiện nay thì việc học lý thuyết không cần chú trọng quá đến phương thức học trực tiếp hay online mà quan trọng nhất là vấn đề kiểm soát việc học sao cho thực chất, hiệu quả. Đồng thời thi, sát hạch phải chặt chẽ để học viên sau khi cấp bằng, ra lái xe an toàn.
Với đề xuất học lý thuyết lái xe online dù là sáng kiến, tìm tòi tích cực nhưng để thực sự phát huy được hiệu quả thì nên có bước thí điểm.
Việc thí điểm cần xây dựng đề án cụ thể và có sự kiểm soát chặt chẽ, làm sao để kết quả học tập của học viên đạt chất lượng tốt nhất. Từ việc thí điểm sẽ có những tổng kết nhằm chỉ rõ mặt tích cực và hạn chế để khắc phục. Khi có kết quả tốt có thể mở rộng trong đào tạo đại trà trên cả nước.
TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Có thể áp dụng cả dạy online và tập trung
Đào tạo lái xe là lĩnh vực dạy nghề có điều kiện nhưng không vì thế mà cứng nhắc trong các quy định. Vì vậy, hoàn toàn có thể tiến hành phương thức đào tạo online cho học viên như đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Các trường, thầy giáo có thể xây dựng hệ thống, phần mềm, trang web chuyển tải các tài liệu liên quan lên để học viên tham khảo, sử dụng.
Cùng với đó, nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm, trình độ sư phạm cao giảng bài trên mạng Internet không những bằng mà thậm chí hay hơn các thầy đang giảng tại các trung tâm đào tạo lái xe. Do vậy, nếu triển khai được học online lý thuyết sẽ giúp thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí, thời gian cho học viên.
Vì thế, có thể áp dụng đại trà mà không cần thí điểm. Tại các trung tâm có thể áp dụng hai hình thức học online và trực tiếp, hoặc phối hợp cả hai hình thức để học viên lựa chọn. Cần khẳng định vấn đề mấu chốt không phải là học theo phương thức nào mà hiệu quả học ra sao.
Trước khi học viên đi thi cần có những bài đánh giá cụ thể để xem học viên có đủ điều kiện, năng lực đi thi hay không. Việc đánh giá này cũng có thể thực hiện ngay qua hệ thống công nghệ hoặc trực tiếp. Khi đủ điều kiện sẽ cho phép đi thi.
Ngoài ra, với chương trình đào tạo lý thuyết lái xe được quy định trong dự thảo Luật Đường bộ cũng nên rà soát lại, những nội dung không còn phù hợp thì mạnh dạn lược bỏ.
Ông Phạm Văn Quyết (giáo viên đào tạo lái xe ở Sơn Tây, Hà Nội):
Học viên phải nắm chắc được lý thuyết trước sát hạch
Tôi vẫn có ý kiến với các lãnh đạo ở trung tâm xung quanh vấn đề học lái xe chỉ là nghề dự phòng, do đó, người ta không thể bỏ học, bỏ công việc để đi học tập trung lý thuyết nhiều ngày.
Nếu tổ chức được học online lý thuyết là hoàn toàn hợp lý. Nếu nhìn lại chúng ta thấy học đại học còn học online được thì không có lý gì mà lý thuyết lái xe không thể áp dụng theo. Quan trọng nhất là làm thế nào có các biện pháp để kiểm soát được việc học của học viên thật chặt chẽ.
Có thể sử dụng các bài thi sát hạch lý thuyết thường xuyên thông qua hệ thống, ứng dụng để học viên kiểm tra. Thêm vào đó, khi tiến hành thi sát hạch phải rất chặt chẽ, nghiêm túc, không để lọt các trường hợp xoay xở, coi cóp, tiêu cực... Cái đích cuối cùng mà tôi vẫn nói với học viên là phải nắm chắc được lý thuyết trước sát hạch.
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu (trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh):
Có chương trình riêng cho người lớn tuổi
Trước hết, tôi thấy việc dạy và học lý thuyết lái xe online là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc dạy online qua mạng, điện thoại... khiến một số người lớn tuổi gặp khó khăn khi tiếp cận.
Vì thế tôi nghĩ đối với nhóm người lớn tuổi đi học lái xe thì cần có một chương trình riêng, hoặc phải hướng dẫn thật kỹ cho họ tiếp cận chương trình dạy online chung.
TS Đinh Thị Thanh Bình (giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải):
Nhiều thách thức với các trung tâm đào tạo lái xe
Thời gian dịch COVID-19 vừa qua, các trường đại học, phổ thông đều đã tiến hành dạy và học online và đã có những tổng kết, đánh giá về mặt tích cực cũng như hạn chế như không có chế độ điểm danh bất ngờ.
Bên cạnh đó, chương trình học online là rất quan trọng, các giáo viên tham gia giảng dạy phải có nghiệp vụ sư phạm chắc chắn. Các bài giảng phải thiết kế khác nhiều so với học tập trung.
Học liệu, phương pháp giảng dạy cũng phải cải tiến, chuẩn bị rất kỹ như cần có thêm các clip, slide... về các vấn đề trọng tâm đi kèm. Việc đánh giá, sát hạch học viên với học online cũng phải thực hiện theo từng giai đoạn chứ không phải đến cuối kỳ mới tiến hành.
Các cơ sở cũng sẽ phải bổ sung chi phí để mua sắm thiết bị, xây dựng các ứng dụng, hệ thống, server... để có thể đáp ứng việc dạy online. Vì vậy, đây có thể được xem sẽ là những thách thức rất lớn với các cơ sở đào tạo lái xe nếu chuyển sang dạy online.
Ông Lương Duyên Thống (trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam):
Nghiên cứu quy định đào tạo lái xe không tập trung
Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép đào tạo học nghề theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến, từ xa. Nhưng Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép không phải học tập trung đối với các hạng giấy phép lái xe không thời hạn như A1, A2, A3 (cấp cho người lái xe mô tô), A4 (cấp cho người lái máy kéo) và hạng B1 (cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô đến 9 chỗ ngồi, xe tải, máy kéo dưới 3.500kg). Còn các hạng giấy phép lái xe B2, C, D, E, các hạng F bắt buộc học tập trung.
Trước đây TP.HCM, một số tỉnh và cơ sở đào tạo lái xe đề nghị học trực tuyến các môn học lý thuyết về đào tạo lái xe nhưng cần sửa luật mới triển khai được.
Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải cũng cho các sở Giao thông vận tải tổ chức đào tạo trực tuyến về cấp giấy phép lái xe. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế.
Chính vì vậy, tháng 3-2023 Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó nghiên cứu quy định đào tạo không tập trung các hạng giấy phép lái xe B2, C, D, E, F.
Cục Đường bộ đang nghiên cứu quy định đó có phù hợp với thực tế hiện nay để báo cáo Bộ Giao thông vận tải đưa vào quy định khi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới hoặc bộ báo cáo Chính phủ có giải pháp phù hợp để triển khai.
Theo một lãnh đạo trung tâm đào tạo lái xe tại Bắc Ninh, nhiều loại hình đào tạo hiện nay có xu thế áp dụng học trực tuyến. Do vậy, với đào tạo lái xe, ngoài những hạng giấy phép lái xe không bắt buộc học tập trung, với những hạng giấy phép lái xe còn lại nên sửa luật để cho phép học trực tuyến các môn lý thuyết. Đây là hình thức học tập phù hợp với những người có công việc bận rộn, khó bố trí thời gian học lý thuyết tập trung.
Cùng với học trực tuyến, cơ quan quản lý tăng cường giám sát để thực thi nghiêm túc trong thi lý thuyết, sát hạch lái xe theo phương châm siết chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng việc học, buộc học viên học hành nghiêm túc.
Những lớp học lái xe trực tuyến trên thế giới
Hiện nay đã có không ít quốc gia tổ chức các khóa học lái xe trực tuyến để khuyến khích người dân tham gia học, tạo điều kiện cho tất cả mọi người dân bố trí thời gian và địa điểm học linh hoạt, đặc biệt là kể từ sau đại dịch COVID-19.
Điển hình như tại Nga đã áp dụng dạy lái ô tô online với lịch học linh hoạt để tất cả học viên đều có thể thoải mái lựa chọn lịch học cho phù hợp với thời gian của mình. Theo một trung tâm dạy lái xe ở thủ đô Matxcơva, một học viên chỉ mất hai tháng để hoàn thành khóa học và học viên hoàn toàn có thể đăng ký thi để nhận bằng lái xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải Nga.
Trong khi đó, những bộ câu hỏi thường xuất hiện trong bài thi lý thuyết đi kèm với các video bài giảng cũng được bày bán khắp các hiệu sách ở Hàn Quốc để tất cả mọi người đều có thể tự học ở nhà mà không cần phải đến lớp.
Người dân Hàn Quốc hoàn toàn có thể đăng ký thi để cấp bằng lái xe sau khi học hết các câu hỏi được tổng hợp trong sách. Như vậy, những người dân Hàn Quốc chỉ cần đăng ký học thực hành với một người hướng dẫn trực tiếp.
Tại Thái Lan, mọi người có thể tham gia học và thi để nhận bằng lái thông qua hình thức trực tuyến.
Để có thể khuyến khích tất cả mọi người dân, đặc biệt là những người trẻ hoàn thành các khóa học lái xe, chính quyền một số bang ở Canada đã mở các khóa học online để thuận tiện cho tất cả mọi người dân. Tại bang Ontario, các sinh viên trẻ hoàn thành khóa học lái xe cơ bản theo quy định của Bộ Giao thông vận tải Canada có thể tiết kiệm từ 10 - 30% chi phí bảo hiểm ô tô.
Thăm dò ý kiến
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất cho dạy lý thuyết lái xe ô tô bằng hình thức online. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất triển khai đề án thí điểm "đào tạo tập trung trên nền tảng số" đối với đào tạo nghề lái xe ô tô.