Những ngày này, không khí mua sắm tại các siêu thị cũng như chợ truyền thống diễn ra khá nhộn nhịp, nhất là các mặt hàng hương hoa, trái cây, hàng mã, thực phẩm.
Theo khảo sát của Vietnam+, tại các chợ truyền thống như chợ Mơ, chợ Hôm Đức viên, chợ Hàng Bè… hay các tuyến đường ở Hà Nội cho thấy giá các mặt hàng thực phẩm, hoa tươi có xu hướng tăng nhẹ.
Giá các loại rau, củ, quả, hoa tươi; các loại thịt, cá, giò chả… tăng 5-10% so với ngày thường. Bà Hoàng Thị Hoa, kinh doanh các loại rau củ tại chợ Hôm Đức Viên cho biết: "Nhiều nơi quan niệm “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Bảy Âm lịch” nên dịp này nhiều gia đình mua sắm nhiều, cầu kỳ, chúng tôi cũng chuẩn bị nhiều hàng hơn, gấp rưỡi hoặc gấp đôi ngày thường. Rau, củ năm nay nguồn cung dồi dào nên giá cả không có nhiều thay đổi, hầu như đều giữ giá hoặc chỉ tăng nhẹ."
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Nguyễn Công Trứ, cho biết, nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Rằm tháng 7 Âm lịch giá tăng nhẹ so với ngày thường.
Hiện thanh long có giá 35.000-40.000 đồng/kg; cam Sài Gòn 30.000-40.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 40.000-60.000 đồng/kg; roi đỏ 70.000-90.000 đồng/kg…Giá hoa huệ 50.000-60.000 đồng/chục, hoa hồng giá 50.000-70.000 đồng/chục, hoa cúc giá 50.000-60.000 đồng/ chục…
Gà là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất, đặc biệt giá gà trống tăng 10.000-20.000 đồng/kg, giá dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg. Mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức 100.000-130.000 đồng/kg, thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp… giá từ 230.000-320.000 đồng/kg…
Đặc biệt, những ngày này tại các chợ truyền thống, siêu thị, mặt hàng thực phẩm chay đã được bày bán thu hút người tiêu dùng, kéo theo sức mua tăng hơn hẳn những ngày thường.
Chị Thúy, chủ một cửa hàng bán thực phẩm chế biến trên phố Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay lượng khách đến đặt mua giò chay tăng gấp ba, gấp bốn lần ngày thường.
“Thường thì chỉ có khi dịp đầu tháng hay ngày Rằm thì mới có lác đác khách hỏi mua giò chay, nhưng hiện gần lễ Vu Lan mỗi ngày tôi bán được khoảng 70kg giò, cao điểm thì hơn 100kg giò chay”, chị Thúy cho hay.
Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Dung cho biết, những ngày gần đây, sức tiêu thụ thực phẩm chay tăng 20 - 25% so với ngày thường. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thuần chay organic (hữu cơ) qua đó giảm bớt lượng đường, mỡ trong máu.
Các tiểu thương kinh doanh đồ chay tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, hiện dịch vụ bán đồ chay đã trở nên phổ biến vì nhu cầu của nhiều người, nhất là những ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng, tuy nhiên “được mùa” nhất vẫn là dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu. Nếu như trước đây, món ăn chay chỉ đơn giản là rau củ luộc... thì nay mọi người có thể làm một mâm cỗ chay đủ các món nem, giò, chả, thịt, cá, tôm chay…
Khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, mặt hàng chay đa dạng, phong phú với giá cả hợp như bánh bao chay từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc, nem chay từ 60.000 - 70.000 đồng/kg; gà chay từ 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, cá, tôm chay từ 100.000 - 300.000 đồng/kg....
Đồ ăn liền như các loại lẩu, cá mòi sốt cà, cánh gà rang me, thịt kho trứng vịt, gà tiềm thuốc bắc, bò kho, canh khổ qua dồn thịt, cơm chiên hải sản… giá trên dưới 70.000 đồng/hộp.
Để phục vụ nhu cầu sử dụng đồ chay trong ngày Rằm tháng 7, hệ thống siêu thị Big C, Aeon Mall Hà Đông, siêu thị Hapro Mart, Co.op Mart... cũng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay mang thương hiệu Việt với giá khá rẻ.
Cụ thể há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm 60.000 - 100.000 đồng/kg; cơm cháy, cơm gạo lứt sấy 30.000 - 70.000 đồng/gói 150 - 200 gram, cá, tôm chay 100.000 - 300.000 đồng/kg, cá bạc má, cá sặc, đùi gà sả… giá 30.000 - 60.000 đồng/gói 200 - 300 gram. Nhằm kích cầu tiêu dùng các siêu thị còn tổ chức chương trình khuyến mại giảm giá từ 15 - 20% mặt hàng thực phẩm chay.
Tại An Lạc Chay, nhà hàng chuyên kinh doanh thực phẩm chay, trên phố Giảng Võ, chị Hoàng Thị Thu Hằng, chủ cửa hàng, cho biết dịp Rằm tháng 7 Âm lịch lượng đơn đặt hàng tăng cao so với ngày thường.
Chị Hằng chia sẻ trong tháng 7 Âm lịch, đặc biệt là từ ngày 10-15, nhiều gia đình làm lễ cúng rằm cũng đặt hàng mâm cỗ chay mang về nên thời điểm này luôn đông khách. Những ngày chính rằm như 14, 15, nhân viên nhà hàng luôn phải làm việc hết công suất, có thời điểm còn “quá tải.”
Theo chị Hằng, mâm cỗ chay cũng giống như mâm cỗ truyền thống, có đầy đủ các món như nem, chả, canh, món xào, nộm… chỉ khác là toàn bộ nguyên liệu đều là đồ chay. Mỗi mâm đồ làm sẵn có giá từ 600.000 đồng cho đến 2 triệu đồng. Nguyên liệu làm các món chay tương đối cầu kỳ, cách chế biến cũng đòi hỏi sự kỳ công nên nhiều người lựa chọn đặt hàng làm sẵn.
Thị trường vàng mã, những ngày này cũng bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm. Bà Lê Thị Tuyết, tiểu thương tại phố Hàng Mã, cho biết, giờ nhiều người không mua trước mà đợi sát ngày lễ mới mua sắm.
Còn bà Vũ Thị Vui, tiểu thương kinh doanh các loại vàng mã, đồ cúng tại chợ Mơ, cho biết năm nay kinh tế khó khăn chung, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen mua sắm, lượng khách trong dịp này tăng nhưng mức tiêu dùng lại ít đi. Với đồ cúng, như các loại hương, nến, những sản phẩm thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ thiên nhiên được nhiều người chọn mua hơn.
Cẩn trọng khi chọn thực phẩm chay
Báo Kinh tế & Đô thị dẫn thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, mới đây lực lượng quản lý thị trưởng tỉnh Đắk Lắk qua kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 66C-028.27 đã phát hiện 1 tần thực phẩm chay không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện và thu giữ 500 kg thực phẩm chay do nước nước ngoài sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.
Những ngày này người tiêu dùng chỉ cần gõ cụm từ "thực phẩm chay" trên các trang mạng xã hội sẽ thấy rất nhiều kết quả tìm kiếm, xúc xích chay, chả chay, váng đậu chay…. Tất cả đều được chào bán với nhiều mức giá khác nhau.
Tại một cửa hàng bán đồ khô tại chợ Hà Đông nhưng nhận cung cấp sỉ lẻ cả đồ chay với giá khá rẻ từ 30.000 - 45.000 đồng/gói 100 - 150g, người bán quảng cáo do doanh nghiệp phía Nam sản xuất. Tuy nhiên, cũng nhãn hàng đó, một chủ cửa hàng ở chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy) lại thông tin, đây là sản phẩm của một cơ sở của huyện Hoài Đức sản xuất, điều này khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận” nguồn gốc nơi sản xuất thực phẩm chay.
Thực tế cho thấy trên thị trường cũng có nhiều thực phẩm chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá cao gấp 3-4 lần hàng nội địa. Điều đáng lo ngại là không ít sản phẩm này không có nhãn hiệu hay thông tin về thành phần sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng….
Việc trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm chay không rõ nguồn gốc sản xuất, chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng sẽ bị ngộ độc khi sử dụng giống như việc sử dụng pate Minh Chay có chứa độc tố botulinum phải vào viện điều trị.
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Mạnh Hùng cho biết, hiện trên địa bàn Tp.Hà Nội có 126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay, nhưng đa phần là các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Nhằm hạn chế hiện tượng kinh doanh thực phẩm chay không đảm bảo ATVSTP, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội quận, huyện tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, lưu thông mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trong đó có thực phẩm chay tại chợ, siêu thị, và môi trường thương mại điện tử...
Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, để hạn chế hiện tượng kinh doanh thực phẩm chay không rõ nguồn gốc bên cạnh việc cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra thị trường người tiêu dùng cũng cần tự trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy, nhãn sản phẩm ghi đầy đủ thông tin.
“Không nên ham rẻ mà chọn những phẩm rẻ tiền không rõ nguồn gốc xuất xứ và giấy kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm được bán tràn lan trên thị trường”, bà Hậu khuyến cáo.
Minh Hoa (t/h)