Theo Hãng tin AFP ngày 27-8, hàng loạt cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản đang đối mặt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc gọi rác mỗi ngày từ Trung Quốc.
Các cuộc gọi rác xuất hiện từ hôm 24-8, thời điểm Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Nạn nhân bị quấy rối rất đa dạng, trải dài từ các phòng hòa nhạc thính phòng ở Tokyo đến một thủy cung tại tỉnh Iwate. Tất cả đều phàn nàn về việc nhận quá nhiều cuộc gọi từ những người nói tiếng Trung Quốc khiến công việc hằng ngày của họ bị cản trở.
Cá biệt một doanh nhân tại tỉnh Fukushima cho biết bốn cơ sở ăn uống của ông đã nhận đến 1.000 cuộc gọi chỉ trong ngày 25-8. Hầu hết trong đó từ Trung Quốc.
Trong khi đó, hôm 26-7, thị trưởng thành phố Fukushima, ông Hiroshi Kohata thông báo trên Facebook rằng văn phòng thị chính thành phố này nhận khoảng 200 cuộc gọi trong vòng hai ngày sau khi việc xả nước thải bắt đầu.
Tại Trung Quốc, nhiều người dùng mạng xã hội liên tục chia sẻ các đoạn video cho thấy họ đang gọi điện quấy rầy các số điện thoại Nhật Bản.
Theo ông Namazu Hiroyuki, nhà ngoại giao cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á và châu Đại Dương của Nhật Bản, tình trạng trên cũng diễn ra tại các cơ sở kinh doanh của người Nhật tại Trung Quốc.
Thông cáo cuối ngày 26-7 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn lời ông Namazu: "Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục chính phủ Trung Quốc đưa ra phương án thỏa đáng, ví dụ như kêu gọi công dân của mình hành xử bình tĩnh. Đồng thời thực hiện tất cả biện pháp có thể để đảm bảo sự an toàn cho người Nhật Bản sống tại Trung Quốc và các nhà ngoại giao Nhật Bản làm việc tại Trung Quốc".
Cùng lúc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh khuyên công dân của mình tại Trung Quốc hạn chế giao tiếp lớn bằng tiếng Nhật.
Lo nhiễm phóng xạ, Trung Quốc cấm hải sản từ Nhật Bản
Ngày 24-8, bất chấp các phản đối và lo ngại, những mét khối nước nhiễm phóng xạ qua xử lý đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã đổ ra biển.
Lập tức Cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu tất cả các loại thủy hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, bao gồm các sản phẩm như muối và rong biển.
Bắc Kinh khẳng định quyết định này nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn chặn những loại hải sản có thể bị nhiễm phóng xạ, cũng như bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có thể xảy ra từ nước thải bị nhiễm phóng xạ.
Việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý, từ vấn đề chỉ cần các bằng chứng khoa học là đủ đã trở thành câu chuyện đòi hỏi niềm tin chính trị giữa các nước Đông Bắc Á.