Mỗi lần nhận tin nhắn biến động số dư, khách hàng phải trả khoảng 880 đồng
Theo thông báo điều chỉnh phí báo giao dịch qua tin nhắn SMS từ Sacombank, các khách hàng nhận số lượng ít hơn hoặc bằng 30 tin nhắn sẽ phải trả 15.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT).
Nếu trên 30 tin nhắn, nhà băng này áp dụng mức phí 500 đồng/tin nhắn. Thời gian áp dụng từ 1-9.
Một ngân hàng khác là VietinBank cũng sẽ điều chỉnh mức phí tin nhắn SMS khi phát sinh trên 14 SMS/tháng, bắt đầu từ 1-9.
Nếu số lượng SMS biến động số dư tháng 9-2023 của người dùng là 14 SMS hoặc nhỏ hơn, sẽ tiếp tục hưởng mức phí cố định hiện hành với 11.000 đồng.
Còn số lượng SMS nhiều hơn 15, VietinBank sẽ áp dụng cách tính phí theo số lượng SMS phát sinh thực tế. Ví dụ, 50 SMS sẽ được nhân với mức giá 880 đồng/SMS, bằng 44.000 đồng.
Trong thông báo mới nhất, VPBank cho biết sẽ thay đổi thu phí SMS theo phương thức "dùng ít - trả ít, dùng nhiều - trả nhiều" để công bằng với người dùng, cũng từ 1-9-2023. Trước đây, ngân hàng này thu theo gói cố định hằng tháng là 12.000 đồng/số tài khoản/1 thuê bao.
Với cách tính mới này, mức phí cao khách hàng có thể phải trả là 70.000 đồng khi phát sinh 101 SMS trở lên trong một tháng.
Đầu tháng 8 vừa qua, SCB cũng thông báo điều chỉnh phí dịch vụ SMS banking theo số lượng tin nhắn.
Với số lượng 11-30 tin nhắn/tháng, SCB thu 20.000 đồng/tháng/số điện thoại/khách hàng và số lượng trên 30 tin nhắn/tháng sẽ bị thu 30.000 đồng/tháng.
Đây không phải lần đầu các ngân hàng đua nhau điều chỉnh phí dịch vụ SMS banking. Trước đó, loạt ngân hàng như TPBank, Lienvietpostbank, Eximbank, SeaBank, Bac A Bank… đều thông báo thay đổi giá cước tin nhắn biến động số dư.
Ngân hàng kêu tăng phí rồi vẫn phải bù lỗ tiền tỉ
Nhận thông báo biến động số dư tài khoản ngân hàng bằng tin nhắn điện thoại (SMS banking) là hình thức được nhiều người dùng nhiều năm nay. Việc điều chỉnh phí có thể khiến người dùng rất ngán ngẩm khi phải trả gấp mấy lần trước đây.
Bản thân các ngân hàng lại cho biết họ có cái khó. Lý giải về đợt thay đổi phí SMS banking tới, đại diện VPBank cho biết chủ yếu do ngân hàng phải bù lỗ khi thanh toán cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông.
"Từ năm 2021 trở về trước, các ngân hàng thường thu phí SMS banking ở các mức dưới 20.000 đồng/tháng/số điện thoại. Hai năm trở lại đây, đặc biệt trong quý 1-2023, do ngày càng phải bù lỗ rất nhiều khi thanh toán các khoản phí SMS banking, các ngân hàng đồng loạt thông báo tăng mức phí này, mức cao nhất phổ biến trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/tháng", đại diện VPBank cho hay.
VPBank còn cho biết ngay cả khi đã tăng phí thì ngân hàng vẫn phải bù lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm để thanh toán cho các công ty viễn thông.
Người dân nên chọn cách tránh được chi phí
Để thay thế cho hình thức chi phí cao như SMS, các ngân hàng cho biết những ứng dụng ngân hàng điện tử trên điện thoại thông minh (app) trở nên thông dụng hơn với người dùng. Việc cập nhật thông báo biến động số dư vừa dễ theo dõi lại miễn phí.
Với đợt điều chỉnh mới này, Sacombank, VietinBank hay VPBank… đều khuyến khích khách hàng thay thế tin nhắn SMS bằng đăng ký nhận thông báo giao dịch qua ứng dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết xu hướng hiện nay các ngân hàng đều khuyến khích người dùng sử dụng kênh ngân hàng số để giảm chi phí tin nhắn, đồng thời giảm các rủi ro phát sinh.
Cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng từng được cho biết là cao gấp mấy lần so với các loại phí tin nhắn bình thường. Vài năm trước, VNBA từng nhiều lần kiến nghị về việc giảm mức cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng nhưng không được.
TTO - Dù thừa nhận đang phải bù lỗ với dịch vụ SMS banking nhưng nhiều ngân hàng cổ phần cho biết chưa có kế hoạch tăng phí dịch vụ này, vì lo nhiều khách hàng có thể sẽ đóng tài khoản để chuyển sang các ngân hàng khác có mức phí mềm hơn.