Phú Yên là một trong ba tỉnh (cùng với Khánh Hòa, Bình Định) có nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh. Ngư dân ở đây bao đời bám biển làm sinh kế, sống chủ yếu nhờ nghề. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, sản lượng cá ngừ đại dương sụt giảm, thị trường thu hẹp, giá cá giảm mạnh khiến đời sống của ngư dân trở nên bấp bênh.
Ngư dân mong chính quyền tỉnh Phú Yên sẽ kết nối, làm việc với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá ngừ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Giá cá giảm, thị trường thu hẹp
Làng chài ven cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên) một chiều tháng 8 khá yên ắng. Vài câu chuyện trên bàn trà của những ngư dân “lão làng” với con cháu được chắp ghép bởi nhiều mạch truyện, lẫn trong đó là câu hỏi “Chừng nào mới nhận được hỗ trợ của Nhà nước cho chuyến biển kế tiếp?”.
Trong tính toán của nhiều hộ ngư dân tại làng chài này, nếu nhận được số tiền hỗ trợ theo chính sách, họ sẽ an tâm hơn, không phải chạy vạy để lo kinh phí cho chuyến biển tiếp theo.
Sinh ra ở biển, ngư dân Huỳnh Nuôr có hơn 20 năm bám biển vươn khơi, chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương. Ngoài 60 tuổi, ông nghỉ và để hai con tiếp tục công việc nhưng nghề biển ngày càng bấp bênh vì nhiều lẽ. Những năm gần đây, ông chỉ mong mỗi chuyến đi biển của các con đừng lỗ, không dám nghĩ đến chuyện sẽ có dư.
“Chuyến nào đi về không lỗ đã mừng rồi. Sản lượng vẫn ổn nhưng giá cá ngừ đại dương hiện quá thấp, ngư dân rất khó để đảm bảo nguồn thu nhập. Với mức giá 100.000 đồng/kg, chỉ có thể nói là vừa đủ” - ông Huỳnh Nuôr chia sẻ.
Còn ngư dân Đặng Ngọc Vinh cho biết từ năm 2022 đến nay, mỗi chuyến đi đều bấp bênh, giá cá hạ nhưng giá dầu lại lên. “Giờ mỗi chuyến đi được 100 tấn cá, về bán được 100 triệu đồng cũng chưa chắc đủ trả chi phí. Chưa kể chúng tôi phải lo cho bạn thuyền. Có khi không nhận về được đồng nào, chấp nhận lỗ” - ông Vinh nói rồi nhẩm tính chuyến đi kéo dài một tháng có khi lỗ đến 30 triệu đồng.
Sau hơn 35 năm bám biển, ông Lê Củng (74 tuổi) để ba con trai nối tiếp công việc của mình, chủ yếu cũng đánh bắt cá ngừ đại dương. Khó khăn mà gia đình ông đang gặp phải cũng như nhiều hộ ngư dân khác. Chuyến đi biển gần nhất, gia đình ông lỗ 50 triệu đồng, chuyến trước thì lỗ 26 triệu đồng.
“Mỗi chuyến đi biển phải bơm 5.000 lít dầu, 700 cây đá, tổng chi phí trên 150 triệu đồng. Chuyến nào huề vốn là đã mừng” - ông Củng nói và cho biết từ đầu năm đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới dám đi biển.
Cánh cửa cho ngư dân Phú Yên càng trở nên hẹp hơn khi Việt Nam bị gắn thẻ vàng IUU. Chính vì vậy, họ mong chính quyền sẽ có sự kết nối, làm việc với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá ngừ, giúp ngư dân mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phải tích cực gỡ cho được thẻ vàng IUU trong thời gian sớm nhất, tìm đầu ra cho cá ngừ đại dương, tiến tới xuất khẩu loại cá này sang các nước châu Âu. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Mong sớm gỡ thẻ vàng IUU
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, cho biết người dân tại phường sống chủ yếu bằng nghề biển. Từ sau đợt dịch COVID-19, việc đánh bắt cá ngừ đại dương gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao, giá cá lại quá thấp, thu nhập của bà con không đủ để trang trải chi phí cho các chuyến sau.
Hiện Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ để giúp bà con ngư dân trang trải chi phí, sơn sửa tàu thuyền… Ngư dân cũng dần hiểu được câu chuyện việc bị gắn thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của bà con ra sao.
Theo ông Lễ, giá cá thấp là do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Đây cũng là hậu quả mà ngư dân phải gánh chịu khi thời gian trước một số tàu có vi phạm, xâm lấn vùng biển nước ngoài. Bây giờ, điều ngư dân mong nhất là có khung giá chuẩn cho giá cá ngừ đại dương và bằng mọi cách phải tìm thêm thị trường để xuất khẩu loại cá này.
“Phải tích cực gỡ cho được thẻ vàng IUU trong thời gian sớm nhất. Đây là mấu chốt để tìm đầu ra cho cá ngừ đại dương, gỡ được bài toán cho ngư dân hiện nay, tiến tới xuất khẩu loại cá này sang các nước châu Âu” - ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, đề đạt.
Ông Thuẩn cho hay nghiệp đoàn luôn nỗ lực tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ về luật pháp, hiểu rõ ảnh hưởng tiêu cực của thẻ vàng IUU đến cuộc sống của chính mình, từ đó nâng cao ý thức khi tham gia đánh bắt trên biển, cùng chung tay với chính quyền tháo gỡ thẻ vàng IUU.
Luôn mong bám biển làm ăn, khẳng định chủ quyền của
Tổ quốc
Dù có khó khăn thì bà con vẫn cố gắng bám biển, bám ngư trường. Sống ở biển thì phải có chiếc tàu, không chỉ đánh bắt để lo sinh kế mà còn để bảo vệ vùng biển, chủ quyền biển, đảo của đất nước. Nhiều bà con cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về vốn để nâng cấp tàu thuyền, mở rộng ngư trường đánh bắt một cách hợp pháp để tăng thu nhập.
Ông PHAN THUẨN, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên