Nhiều hội nhóm hô hào mua cổ phiếu FPT với mục tiêu đạt giá gần với giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong phiên hôm nay (28/8), tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu FPT. Lực cầu gia tăng mạnh đã giúp FPT dần tăng tốc sau phiên sáng nhích nhẹ. Dù không giữ được mức giá cao nhất phiên nhưng FPT đã ghi nhận phiên tăng điểm tích cực và xác lập đỉnh lịch sử mới của cổ phiếu này.
Cụ thể, đóng cửa, FPT tăng 3,8% lên mức giá 94.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,95 triệu đơn vị. Như vậy, vốn hóa của FPT tương ứng là hơn 119 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 5,2 tỷ USD.
Dù vậy, nếu phân tích kỹ sẽ thấy thông tin cho rằng FPT phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ lên tới 20% cổ phần khó có thể chính xác. Thứ nhất, FPT hiện kín room ngoại là 49% và Công ty không có kế hoạch nới room. Thứ hai, trong cơ cấu cổ đông của FPT có Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện sở hữu hơn 5% vốn. SCIC không thể bỏ phiếu thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ khiến nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp, gián tiếp gây thất thoát vốn nhà nước. Thứ ba, FPT đang dồi dào tiền mặt, tại sao phải tính chuyện huy động vốn. Báo cáo tài chính bán niên của FPT cho thấy, Tập đoàn có tới 26.688 tỷ đồng tại ngày 30/6, và đã tăng mạnh khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Một số nhà đầu tư cho rằng, FPT có kế hoạch bán 20% cổ phần của Fsoft cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám FPT để làm rõ những thông tin trên. Ông Phương cho biết, đó là những thông tin không chính xác. Tập đoàn không có kế hoạch phát hành, huy động vốn nào từ nhà đầu tư nước ngoài, với cả FPT và Fsoft.