Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (xã hội), chiều 29/8, việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói không nên giao Tổng liên đoàn xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, vì đây là tổ chức chính trị xã hội, không có chức năng kinh doanh. "Nếu giao Tổng liên đoàn đầu tư nhà ở xã hội thì phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc, việc đầu tư này nên giao cho các đơn vị chức năng khác, như UBND tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện", ông Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói thêm, dự án nhà ở xã hội công nhân có số lượng lớn, khu công nghiệp trong cả nước rất nhiều. Nếu Tổng liên đoàn lao động làm nhà ở xã hội, nguồn lực sẽ lấy từ nguồn thu phí công đoàn, tức có hạn.
"Tổng liên đoàn lao động lo cho công dân nhiều mặt khác, chứ không riêng chuyện nhà ở. Cần nghiên cứu lại, không khéo mất cán bộ", ông Hòa lo ngại.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu nói khó khả thi nếu giao Tổng liên đoàn làm nhà ở xã hội. "Tổng liên đoàn có vai trò là đại diện cho công nhân, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng không nhất định phải giao tổ chức tham gia làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân", bà Phúc nói.
Ngoài ra, Phó trưởng đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần xem xét, cân nhắc về nguồn lực tài chính công đoàn, bởi đây là nguồn độc lập, lấy từ kinh phí doanh nghiệp đóng (2%) và công đoàn viên (1%); đánh giá lại tính bền vững quy định thu - chi, tác động hiệu quả công đoàn khi làm nhà ở xã hội.
Cùng băn khoăn, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhận định, đầu tư nhà ở xã hội, lưu trú công nhân thường rủi ro, chậm thu hồi vốn, nếu quản lý không tốt sẽ gây ra hệ lụy khó lường. Bà đề nghị Tổng liên đoàn xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ giao Tổng liên đoàn đầu tư nhà ở xã hội. Ông Lê Thanh Hoàn, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật ủng hộ quan điểm này.
Ông cũng đề nghị, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào phát triển nhà ở xã hội. "Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu "bốc thăm trúng thưởng" thời gian qua", đại biểu đoàn Thanh Hóa nói.
Hiện cả nước có khoảng 7 triệu lao động tại gần 400 khu công nghiệp. Tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội dẫn khảo sát mới đây của Viện Công nhân - Công đoàn, cho thấy khoảng 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân cư với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, sinh hoạt lâu dài. Ông Nghĩa nhìn nhận, trong bối cảnh nguồn lực công hạn chế thì huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư nhà ở cho lao động là cần thiết.
"Nên để Tổng liên đoàn Lao động tham gia đầu tư xây nhà ở xã hội cho công đoàn viên thuê và coi đây là trách nhiệm của công đoàn", ông Nghĩa đề nghị, và thêm rằng, trước mắt tổ chức này ưu tiên nguồn lực để xây nhà lưu trú công nhân. Với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán thì cần đánh giá tác động kỹ hơn.
Với lo lắng về tính pháp lý do Tổng liên đoàn không có chức năng kinh doanh, đại biểu tỉnh Lạng Sơn gợi ý, tổ chức này có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý. "Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể", ông Nghĩa nói.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bỏ quy định về thời hạn nhà chung cư, nhưng thảo luận tại hội nghị chuyên trách hôm nay, ông Phạm Văn Hòa đề nghị cần xem xét lại quy định này. Ông nói, đất của Nhà nước cấp cho nhà đầu tư có thời hạn thì không có lý do gì họ dùng đất này xây nhà mà chung cư lại không có thời hạn. "Đất có thời hạn, nhà ở vĩnh viễn, là không nên", đại biểu tỉnh Đồng Tháp nhận xét.
Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.
Anh Minh