149.400 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay
Tổng cục Thống kê vừa công bố "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023", với nhiều dữ liệu đáng chú ý.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng này cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng có phần sụt giảm, còn gần 6.300. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh gần 5.200, giảm so với tháng trước, nhưng tăng gần 38% so với năm ngoái.
Tháng này có hơn 5.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và gần 1.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, từ đầu năm đến nay cả nước có 149.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm không đáng kể (-0,03%) so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nằm ở mức 124.700 doanh nghiệp (+16%).
Kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực trong tháng 8
Trong tháng 8 này, nhiều thông số cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những chuyển biến khá tích cực so với tháng trước nhưng vẫn còn yếu so với cùng kỳ năm trước và thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Chẳng hạn chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 8 tăng 2,9%, tăng 2,6% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng qua, chỉ số này giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng này đã nhích nhẹ so với cùng thời điểm tháng trước, giảm nhẹ so với cùng thời điểm năm trước.
Điểm sáng là tháng này vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 61.300 tỉ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự nỗ lực trong việc giải ngân để thúc đẩy kinh tế.
Tính chung tám tháng qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 352.100 tỉ đồng, chỉ mới bằng 49,4% kế hoạch cả năm, nhưng đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-8 vừa qua đạt gần 18,15 tỉ USD (+8%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 13,1 tỉ USD (+1,3%).
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, vốn cấp mới và điều chỉnh, đạt 416,3 triệu USD (+ 5%).
Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt hơn 1,12 triệu tỉ đồng, bằng hơn 69% dự toán năm và giảm gần 9% cùng kỳ năm trước. Tổng chi trên 1,08 triệu tỉ đồng, bằng hơn 52% dự toán năm và tăng 13% cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này đạt 515.400 tỉ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng của tám tháng qua, con số nâng lên thành 4,04 triệu tỉ đồng (+10%).
Tháng này tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỉ USD, tăng gần 7% so với tháng trước và giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đầu năm đến nay, hạng mục này đạt 435,23 tỉ USD (-13%).
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch 62,3 tỉ USD), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất (kim ngạch 68,1 tỉ USD).
Tính chung tám tháng của năm nay, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,19 tỉ USD, gấp gần bốn lần cùng kỳ năm trước.
Bình quân tám tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước, nhưng chưa bằng lúc trước dịch COVID-19 bùng phát.
Infographic kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 8 và 8 tháng năm 2023 do Tổng cục Thống kê thực hiện:
Việc quan trọng nhất của doanh nghiệp hiện nay là xoay trở để có đơn hàng, tìm thêm thị trường..., qua đó mới có nhu cầu vay vốn. Không có thị trường, thiếu hợp đồng, vốn rẻ họ cũng không vay.