Ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Giá nhà ở Việt Nam đang gấp 23,5 lần thu nhập
Tham gia góp ý dự án luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, trang web chuyên thống kê về chỉ mức sống trên thế giới cho thấy, năm 2023, tỉ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11 trong tổng số 38 quốc gia khu vực châu Á.
Theo đó, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập một năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần.
"Thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí, dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm.
Theo đó, khoản 4 Điều 37 quy định về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ. Đại biểu chỉ rõ, đây là thủ tục hành chính mới chưa có trong Luật hiện hành và có nhiều điểm trùng với thủ tục quy định về văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo Luật Xây dựng.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 35 quy định, đối với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.
Ông Nghĩa cho rằng, nếu có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư.
Như vậy, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một bước nữa mới trở thành chủ đầu tư.
Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động
Liên quan đến nhu cầu sở hữu nhà ở, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là nhà ở.
"Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc", đại biểu Tuấn nói.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) nhắc lại câu "an cư lạc nghiệp" để nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà ở hay chỗ ở đối với mỗi người dân. Điều này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, ông Cầm cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân, đặc biệt chưa có những quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mọi công dân đều có quyền chỗ ở hợp pháp.
Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở bổ sung vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này.
Cứ 1.000 người sống ở đô thị đặc biệt thì có khoảng 200 người nhập cư
Về thị trường nhà ở, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) nhấn mạnh thách thức đối với thị trường nhà ở trong thời gian tới. Theo ông Hoàn có 2 thách thức lớn với thị trường nhà ở, đầu tiên là tỷ lệ di cư từ nông thôn ra thành thị có khả năng tiếp tục tăng.
Theo thống kê năm 2019, cả nước có khoảng 6,4 triệu người di cư, con số này chiếm 7,3% dân số. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là rất lớn, cứ 1.000 người sống ở đô thị đặc biệt thì có khoảng 200 người nhập cư. Người nhập cư chiếm tỷ lệ là 12,3% dân số các đô thị, khả năng này dẫn đến nhu cầu tại các đô thị trong một hoặc 2 thập kỷ tới vẫn tăng mạnh, cùng với đó là giảm nhu cầu nhà ở ở tại nông thôn.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá)
Thách thức thứ hai là già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình Việt Nam liên tục tăng, năm 2019 đã là 73,6 tuổi. Theo dự báo thì người cao tuổi già trên 75 tuổi sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 5 triệu người vào năm 2035.
Tỷ lệ người già ở đô thị tăng do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Tác động của già hóa dân số đối với thị trường nhà đất rất phức tạp, làm tăng nhu cầu về nhà ở cho người cao tuổi, đồng thời làm giảm quy mô của hộ gia đình, tăng nhu cầu về nhà ở do số lượng người cao tuổi còn sống tăng thêm cùng với số lượng nhà do họ sở hữu.
Do đó, đại biểu Hoàn, đề nghị trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như trong chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỉ lệ di cư, dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội.
"Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu bốc thăm trúng thưởng trong thời gian vừa qua. Cùng với đó là chính sách đồng bộ về giải quyết việc làm tại nông thôn để hạn chế tình trạng di dân về đô thị", đại biểu Lê Thanh Hoàn đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!