vĐồng tin tức tài chính 365

Quan điểm trái chiều giữa bộ và tỉnh về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

2023-08-30 07:14

Bộ TN-MT đưa vào danh mục các khu bảo tồn là chưa thuyết phục?

Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, thuộc H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, có tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - KBTTNTH). KBTTNTH này có quy mô diện tích 1.320 ha. Trong khi đó, năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình cũng có Quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập KBTTNTH với diện tích 12.500 ha. Nơi đây được đánh giá là khu vực chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (như cò thìa, rẽ mỏ thìa, bồ nông chân xám), 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát...

Quan điểm trái chiều giữa bộ và tỉnh về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh 1.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (H.Tiền Hải, Thái Bình)

Cù Hiền

Quyết định số 731 "xóa sổ" 90% diện tích KBTTNTH khiến dư luận băn khoăn. Ngày 29.8, trong cuộc làm việc với ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình - người được UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình phân công làm việc với Báo Thanh Niên, PV đã đặt câu hỏi về việc nếu KBTTNTH chỉ là khu rừng đặc dụng mà không phải khu bảo tồn (KBT), tại sao từ năm 2015 đến nay, khi Bộ TN-MT phân loại và hiện đang tiếp tục đề xuất đưa vào danh sách bảo tồn, tỉnh Thái Bình lại không có phản ứng gì?

Ông Lục cho biết: "Thực ra, thời điểm đó, bên này (Chi cục Kiểm lâm - PV) không nghĩ rằng cứ xếp vào danh mục là bảo tồn, bởi vì tranh cãi để làm gì khi chưa có gì xảy ra thì cần gì phải tranh cãi? Khi Bộ TN-MT đưa khu vực này vào danh mục, chúng tôi bên này không biết. Nếu có thì Sở TN-MT nắm được thôi chứ tỉnh cũng không nắm được. Quyết định của Bộ khi đưa khu vực rừng đặc dụng này vào KBT là quyết định chuyển tiếp khu rừng đặc dụng thành KBT. Nhưng chúng tôi có giải thích lại, theo điều 24 luật Đa dạng sinh học, thành lập KBT là chức năng của UBND tỉnh nhưng UBND tỉnh hiện nay chỉ thành lập duy nhất KBT thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, có ý kiến của Bộ TN-MT. Với rừng đặc dụng ở Tiền Hải chưa xin lập đề án nên Bộ TN-MT đưa vào là chưa thuyết phục".

Trước đó, thông tin đến Thanh Niên về nguồn gốc của khu vực 12.500 ha được gọi là KBTTNTH, ông Đinh Hải Lục cho biết, tỉnh Thái Bình chỉ có duy nhất một KBT thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy ở H.Thái Thụy được thành lập năm 2019. Còn KBT thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập năm 2014 theo Quyết định 2159 của tỉnh Thái Bình thì đây chỉ là tên gọi của khu rừng đặc dụng ở H.Tiền Hải. Theo đó, việc quản lý hơn 1.000 ha rừng này ở Tiền Hải (sau khi thu hẹp 90% diện tích) sẽ theo luật Lâm nghiệp, là quản lý rừng đặc dụng.

Bộ TN-MT chưa nhận được báo cáo nào từ Thái Bình

Về phía Bộ TN-MT, cũng trong ngày 29.8, đại diện bộ này cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản báo cáo nào của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình dù thời hạn cuối là ngày 25.8.

Bộ TN-MT vẫn khẳng định KBTTNTH được xác lập theo Quyết định 2159/QĐ-UBND ngày 26.9.2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước quý, hiếm, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, KBTTNTH là 1 trong 2 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, khẳng định rõ tầm quan trọng và giá trị đa dạng sinh học của KBT không chỉ với quốc gia mà mang tầm thế giới.

Đại diện Bộ TN-MT khẳng định, KBTTNTH là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 20 luật Bảo vệ môi trường. Vì thế, chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của KBTTNTH phải tuân thủ theo pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường bên cạnh quy định pháp luật về lâm nghiệp. Việc điều chỉnh diện tích, ranh giới KBTTNTH phải xin ý kiến của Bộ TN-MT. Tuy nhiên, Quyết định 731/QĐ-UBND ngày 17.4.2023 của UBND tỉnh Thái Bình (Quyết định 731) đưa ra thu hẹp đến 90% diện tích KBTTNTH khi chưa có ý kiến của Bộ TN-MT.

Không thể coi thường sự ghi nhận, đánh giá từ quốc tế

Về quan điểm của các chuyên gia, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh KBTTNTH nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận đây là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới thì đó là đánh giá ở góc độ khoa học quan trọng, không thể coi thường.

Ông Lung cũng nhấn mạnh, sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế, của UNESCO là tiếng nói, đánh giá khách quan nhất về vai trò của rừng ngập mặn ở Thái Bình vì thế giới luôn đề cao giá trị môi trường. Đó là vai trò rất quan trọng của rừng ngập mặn. Ngay ở trong nước, chúng ta cũng rất đề cao giá trị rừng ngập mặn, dẫn chứng cụ thể nhất chính là các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM) từng được trao giải thưởng rất lớn - giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN năm 2005. "Đừng nghĩ rừng ngập mặn lèo phèo chỉ có vài cái cây thì xây đô thị, mở khu nghỉ dưỡng hay làm sân golf sẽ tốt hơn, không thể vì lợi ích KT-XH để đánh đổi hy sinh lợi ích môi trường ở khu vực này nếu như chưa có các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường một cách trung thực, khách quan", ông Lung nói.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học, với các khu rừng đặc dụng, KBT thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, bất kể thay đổi nào về diện tích, nhất là ở vùng lõi phải rất hợp lý về mặt quy hoạch quốc gia, phù hợp với mục tiêu phát triển của quốc gia thì mới được chấp thuận. Việc một địa phương đưa ra sự thay đổi về mặt diện tích đối với một khu rừng đặc dụng, KBT thiên nhiên thì cần có các ý kiến của các bộ có liên quan và theo thẩm quyền đã nêu trong luật Đa dạng sinh học (2008), luật Lâm nghiệp (2017). Đối với một khu dự trữ sinh quyển, sự thay đổi diện tích vùng lõi mà không theo luật của quốc gia sẽ rất khó được chấp nhận. Do đó, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có nguy cơ cao bị UNESCO thu hồi danh hiệu nếu diện tích của một trong các vùng lõi bị chuyển đổi mà không tuân thủ theo các quy định đó.

Cũng theo TS Hà, việc thu hẹp KBTTNTH từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha là đi ngược với các quy hoạch về đa dạng sinh học, quy hoạch lâm nghiệp của quốc gia cũng như nhiều cam kết quốc tế mà VN đã tham gia. Cụ thể, VN tham gia vào Công ước đa dạng sinh học từ năm 1994. Với việc tham gia công ước này, VN hướng đến cam kết đưa diện tích KBT lên khoảng 10% lãnh thổ. Hiện tại, tổng diện tích KBT ở VN mới chỉ đạt khoảng 5%, vì vậy việc giảm diện tích bất kỳ một rừng đặc dụng hay KBT nào cũng sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu đó.

Xem thêm: mth.44559400038032581-iah-neit-neihn-neiht-not-oab-uhk-evhnit-av-ob-auig-ueihc-iart-meid-nauq/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quan điểm trái chiều giữa bộ và tỉnh về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools