Theo “Niên giám thống kê Trung Quốc 2021”, Trung Quốc có khoảng 220 triệu người ở độ tuổi 50-59. Ở thời đại ngày nay, nhóm người ở độ tuổi này đang cực kỳ bất ổn trên phương diện công việc, vì họ không biết cách sử dụng Internet và công nghệ mới.
Khi bố mẹ gặp khó khăn, con cái phải hành động!
"Tốt nghiệp xong mới tìm được việc làm, lại tiếp tục tìm việc cho bố mẹ"
Mùa hè năm 2021, Thiệu Lê (sinh năm 1995) tốt nghiệp đại học và mới trải qua quá trình tìm việc khó khăn, bố mẹ anh lại mất việc.
Bố mẹ Thiệu Lê từng kinh doanh một cửa hàng quần áo nhỏ ở quê nhà Triều Sán, sau khi dịch bệnh bùng phát, việc kinh doanh ngày càng khó khăn. Giữa năm 2020, hai người đến Thâm Quyến để làm việc cùng cậu của Thiệu Lê, cũng làm trong ngành may mặc. Nhưng công việc không hề tiến triển và đã thua lỗ hơn nửa năm. Về sau, hai vợ chồng ra chợ bán hải sản. Khoảng 2-3 giờ sáng mỗi ngày, bố lại ra cảng mua hàng, làm thì cực nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu.
Lúc đó, Thiệu Lê vào làm cho một công ty truyền thông ở Thâm Quyến, với mức lương thử việc hơn 4.000 NDT/tháng (hơn 13 triệu đồng). Anh còn có hai em trai đang học đại học, là giai đoạn rất cần tiền. Thế là anh quyết định giúp bố mẹ tìm việc làm.
Thiệu Lê phải mất 6 tháng sau khi tốt nghiệp để tìm việc, nên anh biết quá trình tìm công ăn chuyện làm cho bố mẹ không hề dễ dàng.
Thiệu Lê mở phần mềm tuyển dụng và tạo sơ yếu lý lịch đầu tiên trong đời của bố. Bố anh năm nay 52 tuổi, ứng tuyển cho rất nhiều vị trí bảo vệ, lương từ 4.000 đến 5.000 NDT/tháng (khoảng 13-16 triệu đồng). Nhưng hồ sơ gửi đi đều bị từ chối, vì hầu như chỉ tuyển người dưới 45 tuổi.
Thiệu Lê hiểu rõ tình hình này, ngay cả lập trình viên cũng bị sa thải ở tuổi 35, nên một người có trình độ học vấn thấp, lớn tuổi hơn như bố bị từ chối ngay cũng là chuyện bình thường.
Chàng trai cũng cân nhắc đến việc cho bố đi làm công nhân vác hàng, nhưng vì lý do sức khỏe nên đành thôi. Cuối cùng bố anh đã chọn làm thợ tu sửa nhà cửa cho người ta, có đơn đặt hàng thì làm, tiền hưởng theo ngày.
Quá trình tìm việc cho mẹ Thiệu Lê khó khăn hơn nhiều. Mẹ anh năm nay 53 tuổi, năm 10 tuổi, bà làm việc ở nhà máy dệt và tiếp tục làm việc cho đến sau khi lấy chồng. Lúc mới cưới bố, mẹ là một bà nội trợ toàn thời gian, nếu một ngày nấu cháo muộn 20 phút, ông bà nội sẽ giận cả ngày. Vì vậy, bà luôn cảm thấy làm việc ở nhà là “việc của kẻ hầu người hạ”, rất nhục nhã, khi Thiệu Lê nhắc đến việc làm giúp việc cho nhà người ta, mẹ anh đã nổi giận.
Cuối cùng, Thiệu Lê đã cùng mẹ đến một vài trung tâm thương mại gần nhà để tìm việc. Mẹ anh được nhận vào làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng lẩu, nhưng đã bị sa thải sau 4 ngày vì bà không biết sử dụng màn hình gọi món.
"Mẹ tôi bị sa thải vì không rành công nghệ", Thiệu Lê chia sẻ.
Mẹ Thiệu Lê tự trách bản thân quá vô dụng, thành phố lớn quá lạ lẫm với bà, ngay cả việc đi tàu điện cũng khó khăn muôn phần.
Từ năm 2021 đến năm 2022, Thiệu Lê liên tiếp giúp bố mẹ tìm việc làm hơn một năm nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là vì tuổi tác. Hiện tại, hai vợ chồng lớn tuổi đã mở một trang nuôi trại gà ở quê nhà, cũng là sự lựa chọn tốt nhất với họ khi không phải bon chen trên thành phố đông đúc.
"Tìm việc cho mẹ còn dễ hơn tìm cho mình"
Tháng 6/2022, mẹ Velen đã nghỉ hưu sau 34 năm gắn bó với nghề nhà giáo.
Song bà là kiểu người không thể nhàn rỗi, không chịu nổi cuộc sống hưu trí đi chợ mua rau và trồng hoa. Bà thường nói với Velen rằng: “Nếu tiếp tục ở nhà, mẹ sẽ ngạt thở mà chết”. Thế là Velen đã động viên mẹ nộp hồ sơ và tiếp tục giảng dạy.
Những người trẻ sử dụng nhiều phần mềm tuyển dụng khác nhau để tìm việc, mẹ Velen nhất quyết tìm việc theo cách riêng của mình. Bà gửi hồ sơ đi trong tâm thế dung dị, đón nhận mọi kết quả. Điều đáng ngạc nhiên là trong vòng một tuần, một trường cấp hai ở Trạm Giang đã liên lạc và mời mẹ Velen đến phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp và nhà trường đã đồng ý nhận mẹ Velen. Nhưng trước thời điểm tạm bổ nhiệm, nhà trường đột ngột phải điều chỉnh nhân sự nên lời đề nghị trước đó đã vô hiệu. Sau đó, một số trường đã liên lạc với mẹ Velen nhưng do kiểm soát dịch bệnh nên hành trình “tái nghiệp” của bà nhiều lần bị hoãn lại.
Công việc cuối cùng bà đã được nhận vào một trường trung học tư thục ở Thâm Quyến. Nhưng vấn đề là mẹ Velen sống với bố cả đời và chưa bao giờ sống một mình, thậm chí bà còn muốn từ bỏ vì trường học đó quá xa nhà.
Nhưng Velen đặc biệt mong mẹ có thể tận dụng cơ hội này để bắt đầu lại cuộc sống, sau hơn hai tháng làm công tác tư tưởng, cuối cùng mẹ Velen quyết định thử thách cuộc sống mới.
Sau khi đi Thâm Quyến, lương của mẹ Velen đã tăng hơn gấp đôi, cuộc sống của bà chưa bao giờ sung túc hơn thế.
Sau này Velen mới biết mẹ chỉ ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại gần như dành cho việc đọc sách giáo khoa mới và tập trung vào kỳ thi tuyển sinh đại học.
Dù sống cuộc sống làm việc căng thẳng nhưng mẹ Velen rất hạnh phúc. Bà cho biết trẻ em ở Thâm Quyến năng động hơn trong tư duy, có hiểu biết tốt và luôn có thể đặt nhiều câu hỏi hóc búa trong lớp. Bà thích quá trình này, và cho rằng trường học là nơi tốt nhất để trì hoãn sự lão hóa.
"Chuyển ngành, mẹ thích nghi còn nhanh hơn tôi"
Dương Hiểu Văn, sinh năm 1995, mẹ 53 tuổi, ở Tế Nam.
Tháng 2/2023, mẹ Văn đóng cửa quầy bán trái cây mà bà đã làm 10 năm, đăng ký tham gia khóa đào tạo mẹ bé, chuyển sang làm bảo mẫu dạy và chăm trẻ.
Sau đại dịch, sạp trái cây kinh doanh không được tốt. Mẹ Văn rơi vào trạng thái lo lắng và có lúc còn khóc trên điện thoại. Theo Văn, mẹ cô luôn là người mạnh mẽ. Ba năm trước, bà đã dùng tiền tiết kiệm để mua chiếc ô tô đầu tiên cho gia đình. Văn biết mẹ không thể ngồi yên ở nhà nên bắt đầu tìm việc làm cho mẹ, nhưng quá trình này không hề dễ dàng với độ tuổi 53.
Sau khi thảo luận về kế hoạch “chuyển ngành nghề”, mẹ Văn đăng ký tham gia lớp đào tạo với phí học hơn 1.000 NDT (hơn 3 triệu đồng). Chỉ trong hơn một tháng, bà đã đậu "Chứng chỉ nhân viên điều dưỡng mẹ và bé", học các bài tập thể dục cho trẻ em, massage cho trẻ sơ sinh, công thức nấu ăn cho bà bầu…
“Khả năng tiếp thu và thích nghi nghề mới của mẹ còn mạnh hơn tôi”, Văn nói.
Tháng 7 năm nay, mẹ Văn chính thức có công việc đầu tiên, thậm chí còn làm tốt đến nỗi nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ gia đình thuê dịch vụ của bà.
Mẹ Văn yêu cái đẹp, bà thích đi mua sắm và vẽ mày rất giỏi. Nhưng 10 năm qua, buôn bán ở chợ nắng gió, không có được một giấc ngủ dài, mỗi ngày thức dậy lúc 3 giờ sáng… guồng quay này khiến bà quên mất sở thích của mình.
Văn cảm nhận rõ ràng rằng mẹ cô đã tìm được giá trị bản thân từ công việc này. Bây giờ trong các cuộc gọi của họ, bà thường hỏi: "Mẹ ngày càng trẻ ra phải không? Có đẹp hơn không?".
Nguồn: The Paper