vĐồng tin tức tài chính 365

ASEAN – Khu vực năng động và đi đầu trong kết nối thanh toán xuyên biên giới

2023-08-30 11:27

Kết nối thanh toán xuyên biên giới ngày càng nhận được sự quan tâm và trở thành chủ đề nghiên cứu chuyên sâu tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, thế giới đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của nhiều phương thức thanh toán xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật chung có tính tiện ích cao, thân thiện với người dùng như ứng dụng thanh toán/chuyển tiền trên điện thoại di động, QR code...

Tại khu vực ASEAN, trong bối cảnh thanh toán số xuyên biên giới đã và đang phát triển nhanh chóng, tăng cường kết nối thanh toán nội khối ASEAN tiếp tục là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên của tiến trình hội nhập ngân hàng khu vực. Kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025) đã xác định một trong các biện pháp để thực hiện mục tiêu về một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết là tăng cường các hệ thống thanh, quyết toán thông qua thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán cho các hoạt động thương mại, chuyển tiền và thanh toán bán lẻ xuyên biên giới để tạo môi trường thúc đẩy các liên kết khu vực và hệ thống thanh toán an toàn, hiệu quả và cạnh tranh.

Nhằm phát triển và liên kết mạng lưới thanh toán của các quốc gia thành viên, hỗ trợ cho các mục tiêu AEC 2015, Nhóm công tác về Hệ thống Thanh toán khu vực ASEAN (WC-PSS) đã được thành lập vào ngày 7/4/2010 theo quyết định của các Thống đốc NHTW ASEAN. Nhiệm vụ của WC-PSS là đánh giá môi trường chính sách và quy định hiện hành trong lĩnh vực thanh toán, các định chế liên quan đến các dịch vụ thanh toán và các chuẩn kỹ thuật ASEAN cho các dịch vụ này. Mục tiêu chung của WC-PSS là góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết hệ thống thanh toán khu vực ASEAN theo chuẩn nhằm thúc đẩy các luồng lưu chuyển vốn và hội nhập tài chính. Cụ thể, WC-PSS hướng tới việc hình thành một hệ thống thanh toán khu vực hoạt động hiệu quả, an toàn để tăng cường các hoạt động kinh doanh và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán điện tử qua biên giới một cách thuận tiện hơn. Mục tiêu Kế hoạch hành động chiến lược (SAP) của Nhóm là áp dụng chuẩn tin điện quốc tế (ISO 20022) của các nước thành viên ASEAN để tăng cường khả năng liên thông và thiết lập các liên kết song phương/đa phương về Hệ thống thanh toán bán lẻ (RPS) và Hệ thống thanh toán giá trị cao (LVPS).

Qua thời gian, WC-PSS đã triển khai và đạt được rất nhiều kết quả hợp tác tích cực về kết nối thanh toán nội khối ASEAN, cụ thể như:

- Xây dựng và phê duyệt Hướng dẫn thực hiện (IPG) Khuôn khổ chính sách thanh toán ASEAN về thanh toán bán lẻ theo thời gian thực (RT-RPS) xuyên biên giới; trong đó, một trong các nội dung chính là cơ chế bù trừ và quyết toán (ACH).

- Áp dụng chuẩn tin điện quốc tế (ISO 20022) để tăng cường khả năng liên thông và thiết lập các liên kết thanh toán song/đa phương: Theo đó, Nhóm đã xác định Kế hoạch hành động chiến lược (SAP) của WC-PSS là áp dụng chuẩn tin điện quốc tế (ISO 20022) để tăng cường khả năng liên thông và thiết lập các liên kết song phương/đa phương về Hệ thống thanh toán bán lẻ (RPS) và Hệ thống thanh toán giá trị cao (LVPS). Tính đến nay, 9/10 nước thành viên ASEAN đã triển khai ISO 20022 cho RPS (Lào dự kiến sẽ triển khai vào năm 2023); 5/5 nước thành viên triển khai ISO 20022 cho LVPS gồm Brunei, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan (Việt Nam vẫn đang trong quá trình nghiên cứu).

image

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 09 tại Bali, Indonesia

Tại một số phiên họp Nhóm WC-PSS, Nhóm đã mời SWIFT – cơ quan đăng ký ISO 20022 - Registration Authority for ISO 20022 – trình bày cập nhật về việc hài hòa hóa tiêu chuẩn ISO 20022 để phục vụ mục tiêu liên thông, thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới.

- Thúc đẩy kết nối thanh toán song phương thông qua tương tác RT-RPS xuyên biên giới với mã QR (Việt Nam đã tiến hành kết nối QR với Thái Lan).

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn kết nối thanh toán QR đa phương: Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) đang xây dựng tài liệu về các tiêu chuẩn kết nối QR và các thực tiễn hiện nay nhằm cung cấp một khuôn khổ hướng dẫn kết nối QR giữa hai quốc gia trong khu vực. Tài liệu được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ quá trình kết nối QR song phương trong khu vực ASEAN.

- Hợp tác với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) để tìm hiểu về Dự án kết nối các hệ thống thanh toán nhanh – Nexus do BIS xây dựng:

Mục tiêu của Nexus là kết nối các hệ thống thanh toán tức thời (IPS) của các quốc gia để xử lý các giao dịch thanh toán xuyên biên giới với tốc độ nhanh nhất (khoảng 60 giây), hiệu quả và an toàn trên nền tảng kết nối thanh toán đa phương. Nexus được xây dựng với tính năng nổi trội là khắc phục sự phức tạp và chồng chéo của các liên kết thanh toán song phương giữa các IPS thông qua việc chuẩn hóa phương thức, thanh toán và xây dựng các tiêu chuẩn chung. Trong giai đoạn thí điểm, các bên tham gia sẽ cùng Nexus phát triển và hoàn thiện các văn bản về cơ cấu tổ chức hoạt động, khung quản trị, điều hành, pháp lý, giám sát, các nội dung về thương mại và kỹ thuật của Nexus song song với đó là thí điểm mô hình Nexus thông qua việc kết nối hệ thống thanh toán IPS tại một số quốc gia ASEAN. Mục đích thí điểm là hướng tới xây dựng một nền tảng kỹ thuật kết nối thanh toán đa phương. Giai đoạn chuyển đổi và thí điểm Nexus dự kiến diễn ra trong năm 2023 và Quý 1 năm 2024. Nexus dự kiến đi vào ứng dụng thực tế vào Quý I năm 2025.

- Triển khai Sáng kiến đo lường việc đáp ứng các mục tiêu G20 về thanh toán xuyên biên giới trong lĩnh vực thanh toán bán lẻ và chuyển tiền (USAID G20 Index): Vào tháng 10/2020, G20 đã thông qua Lộ trình tăng cường thanh toán xuyên biên giới, trong đó đặt ra các mục tiêu về chi phí, tốc độ, minh bạch và tiếp cận. Đây là mục tiêu rất quan trọng trong kết nối thanh toán mà các nước trên thế giới đều đang hướng tới. Việc đo lường mức độ sẵn sàng của khu vực phù hợp với các diễn biến mới trên thế giới như Lộ trình G20 là rất cần thiết và hữu ích do thanh toán số xuyên biên giới tại ASEAN đã và đang phát triển nhanh chóng trong những năm qua và tiếp tục là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên của khu vực. Trong bối cảnh đó, WC-PSS đã quyết định lựa chọn Chương trình hợp tác tăng trưởng toàn diện tại ASEAN thông qua Đổi mới, Thương mại và thương mại điện tử (IGNITE) của USAID hỗ trợ WC-PSS tiến hành nghiên cứu để đánh giá thực trạng của khu vực trong đáp ứng các mục tiêu G20 về thanh toán xuyên biên giới trong lĩnh vực thanh toán bán lẻ và chuyển tiền:

Tại Hội nghị Thống đốc NHTW ASEAN vào tháng 4/2022, các Thống đốc chia sẻ quan điểm rằng ASEAN có tiềm năng trở thành khu vực dẫn đầu thế giới, tiên phong trong việc thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới đa phương của khu vực. Do đó, các Thống đốc NHTW ASEAN đã chỉ đạo WC-PSS tăng cường kết nối thanh toán, đặc biệt là kết nối thanh toán qua hình thức QR code và thanh toán nhanh xuyên biên giới (FPS), hướng tới xây dựng một nền tảng kỹ thuật thanh toán đa phương với mục tiêu tăng cường kết nối thanh toán khu vực để thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025).

Hiện nay, NHNN đang giữ vai trò đồng chủ trì WC-PSS giai đoạn 2022-2024 cùng với NHTW Thái Lan. Trên cương vị này, NHNN đang tích cực phối hợp với NHTW Thái Lan thúc đẩy các sáng kiến về thanh toán theo hướng dành ưu tiên cao cho việc cùng hợp tác nghiên cứu/trao đổi về khả năng kết nối thanh toán xuyên biên giới trong khu vực. Đặc biệt, NHNN đã tham gia Biên bản ghi nhớ (MoU) về Hợp tác kết nối thanh toán khu vực. MoU được các Thống đốc NHTW ASEAN5 ký vào ngày 14/11/2022 tại Bali, Indonesia bên lề Hội nghị G20 với vai trò là sáng kiến hợp tác của Indonesia trong năm chủ tịch G20 năm 2021. Sau khi ký kết, các bên thống nhất thúc đẩy MoU trở thành sáng kiến chung của khu vực. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN (AFMGM) lần thứ 10 vào ngày 25/8/2023 tại Jakarta, Indonesia, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã tham gia ký kết MoU cùng các NHTW ASEAN5. Việc NHNN chính thức trở thành thành viên thứ 6 của MOU thể hiện tinh thần hợp tác của NHNN về kết nối thanh toán xuyên biên giới trong khu vực ASEAN, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường hợp tác theo chiều sâu và bắt kịp các xu hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán để thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch và toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, cũng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Nhóm Công tác về Tự do hóa tài khoản vốn (WC-CAL) nhận định rằng việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ có thể hỗ trợ tính bền vững tài chính vĩ mô khu vực, giúp cho các nền kinh tế thành viên giảm thiểu tác động tiêu cực từ những cú sốc toàn cầu, đồng thời củng cố khả năng ổn định nền kinh tế của các NHTW trong bối cảnh khủng hoảng. Xuất phát từ mục đích nêu trên, các thành viên ASEAN đã quyết định thành lập Nhóm đặc trách về giao dịch đồng bản tệ (LCT-TF) vào tháng 7/2023 và thông qua các nguyên tắc chung về Khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ khu vực ASEAN (LCT Framework) tại AFMGM lần thứ 10 vào ngày 25/8/2023 vừa qua.

Khuôn khổ LCT được xây dựng nhằm cung cấp định hướng để các cơ quan quản lý tài chính tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách với mục tiêu thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ giữa các quốc gia, xây dựng nền tảng vững chắc để tăng cường hội nhập tài chính khu vực ASEAN. Kết hợp cùng với các sáng kiến về thanh toán xuyên biên giới của ASEAN, Khuôn khổ LCT sẽ nâng cao hiệu quả các giao dịch thanh toán bản tệ, đồng thời tăng cường khối lượng giao dịch bản tệ cho cả hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư xuyên biên giới, đối với cả quy mô bán buôn và bán lẻ.

Có thể khẳng định sự phát triển khoa học công nghệ cùng với nhu cầu về hội nhập và thanh toán xuyên biên giới là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác và kết nối về thanh toán. Các hoạt động hợp tác thanh toán trong khuôn khổ ASEAN đang phát triển theo hướng ngày càng năng động hơn, song hành với xu hướng phát triển của thị trường tài chính, hoàn thiện chặt chẽ hơn về mặt chính sách. Xu hướng hợp tác thanh toán này chắc chắn sẽ là nhân tố quan trọng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hội nhập toàn diện kinh tế khu vực ASEAN.

Phòng HNĐP (HTQT)

Xem thêm: 766375VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ASEAN – Khu vực năng động và đi đầu trong kết nối thanh toán xuyên biên giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools