Một trong những nguyên nhân khiến Nvidia có doanh thu quý II/2023 đạt mức kỷ lục phần lớn là do nhu cầu đối với các sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian qua. Dự báo công suất và nguồn cung của công ty sẽ tiếp tục tăng mạnh trong phần còn lại của năm 2023 và năm sau, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một xu hướng ngày càng phát triển trong mọi ngóc ngách của đời sống. Các công ty đi theo hướng này đang nhận được sự đầu tư lớn.
Trong khi cổ phiếu nhóm ngành công nghệ nói chung đang chịu nhiều tác động do lợi nhuận sụt giảm, không ít công ty có liên quan tới phát triển AI lại như đang "nở hoa".
Nhật báo phố Wall vừa cho biết, tuần vừa qua, cổ phiếu của các công ty liên quan tới AI tăng tốc vượt bậc trong nhóm S&P 500 với 62 điểm % trong năm nay. Thống kê của Goldman Sachs cho thấy, cổ phiếu của 11 công ty phát triển AI, dẫn đầu là hãng sản xuất chip Nvidia, kế đến là Meta Platforms, Amazon và Microsoft, được chọn mua vào.
Trang Business Insider bình: "Sự ra đời của các công cụ AI như ChatGPT và Google Bard đã tạo nên sự bùng nổ mối quan tâm về ngành công nghiệp AI". Theo dự báo, ngành này có thể đạt doanh thu hơn 1,3 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.
CNBC cảnh báo AI đang đóng vai trò ngày càng lớn trong an ninh mạng, nhưng chính những kẻ xấu lại tận dụng được nhiều nhất. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Chuyên gia công nghệ Mandeep Singh của Bloomberg Intelligence phân tích: "Công nghệ này được tạo ra để trở thành một phần ngày càng thiết yếu trong chi tiêu về công nghệ thông tin, quảng cáo và cả an ninh mạng khi nó phát triển".
Công nghệ thông tin phát triển luôn đi kèm là sự phát triển về an ninh mạng, vì công cụ sẽ được sử dụng bởi cả người tốt, lẫn xấu. Tuy nhiên với AI, các chuyên gia cho rằng, cuộc chạy đua này sẽ là khác biệt.
Trang CNBC cảnh báo AI đang đóng vai trò ngày càng lớn trong an ninh mạng, nhưng chính những kẻ xấu lại tận dụng được nhiều nhất. Theo bài báo, các tổ chức có thể sử dụng công cụ với công nghệ AI để bảo mật hệ thống dữ liệu tốt hơn. Tuy nhiên tội phạm cũng có thể sử dụng nó để tạo ra các cuộc tấn công phức tạp hơn.
Theo các chuyên gia, xét về mặt kinh tế, việc phát động các cuộc tấn công mạng thường dễ dàng và rẻ hơn so với việc xây dựng các biện pháp phòng thủ.
Bloomberg bổ sung: "Đang có làn sóng tận dụng AI để lừa đảo bằng những thứ tưởng như có tính xác thực cao nhất, đó là cuộc gọi video của người thân. Một giọng nói của con cái do máy tính tạo ra cũng có thể lừa được bố mẹ. Khuôn mặt giả được lấy từ ảnh trên mạng xã hội có thể phá thủng hệ thống bảo mật nhận diện khuôn mặt để tấn công vào các tài khoản ngân hàng hay gian lận thương mại…".
Cũng theo Bloomberg, xét trên phạm vi toàn cầu, tội phạm mạng có thể sẽ lấy đi khoảng 8.000 tỷ USD trong năm nay. Một khoản tiền vượt xa sản lượng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản. Nếu không có các biện pháp phòng vệ kịp thời, chỉ trong 2 năm tới, con số thiệt hại có thể vượt mốc 10.000 tỷ USD.
VTV.vn - Trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ trở thành thị trường nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới khi nhu cầu tự động hóa trong các ngành nghề ngày càng tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!