Khi nào cần xét nghiệm nội tiết tố nữ?
Quảng cáo về dịch vụ xét nghiệm nội tiết tố nữ, một phòng xét nghiệm chia sẻ tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ đang có tốc độ trẻ hóa rất nhanh, khi 30% phụ nữ dưới 30 tuổi có dấu hiệu rối loạn nội tiết ở mức độ nhẹ, trong khi trước đây là 35 tuổi.
"Do đó, chị em cần nắm được cách theo dõi tình trạng nội tiết tố của chính mình. Dịch vụ xét nghiệm nội tiết tố nữ dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng" - quảng cáo này nêu.
Theo bác sĩ Lưu Bá Hùng - chuyên ngành sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm nhiều xét nghiệm các chỉ số khác nhau, với mục đích theo dõi và đánh giá sức khỏe sinh sản, khả năng mang thai cũng như đời sống tình dục ở người phụ nữ.
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm nội tiết tố để đánh giá sức khỏe sinh sản của mình, tuy nhiên có một số trường hợp bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm này như:
- Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều (hoặc rất ít, hoặc rất nhiều) và kỳ kinh kéo dài ngắn không ổn định.
- Các trường hợp vô kinh nguyên phát (không có kinh nguyệt) hoặc vô kinh thứ phát (từng có kinh nguyệt nhưng tự dưng biến mất).
- Phụ nữ có âm đạo bị chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân.
- Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đa nang buồng trứng.
- Người gặp khó khăn trong quá trình thụ thai.
- Người có mong muốn hoặc chuẩn bị tiến hành các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm
Xét nghiệm nội tiết tố nữ giúp phát hiện sớm những rối loạn, bất thường trong hệ nội tiết, từ đó nhanh chóng có phương hướng điều trị kịp thời.
"Theo các nghiên cứu, phụ nữ sau tuổi 35 sẽ bắt đầu suy giảm nội tiết tố. Chị em có thể chú ý bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục, giảm căng thẳng, lo âu để cải thiện sức khỏe", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Chỉ số nội tiết nào quan trọng trong việc sinh sản?
Bác sĩ Hùng nêu rõ trong các chỉ số nội tiết tố nữ (AMH, FSH, LH, estrogen, progesteron, prolactin, testosteron), thì chỉ số AMH để đánh giá dự trữ buồng trứng của người phụ nữ là chỉ số có giá trị cao và chính xác nhất trong công tác chẩn đoán cũng như điều trị hiếm muộn.
Nồng độ AMH thông thường dao động 2 - 6,8 ng/ml. Nồng độ này tương đối ổn định nên xét nghiệm chỉ số AMH có thể tiến hành bất kỳ lúc nào. Chỉ số AMH bắt đầu giảm nhanh sau 35 tuổi, làm cho số lượng trứng của người phụ nữ ít đi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Nồng độ AMH đo được nếu quá thấp có nghĩa là khả năng đáp ứng kém với thuốc của người phụ nữ khi làm thụ tinh ống nghiệm. Ngược lại, nếu AMH quá cao cũng có thể dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng và gây vô sinh.
"Hiện nay vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc nào có thể làm tăng chỉ số AMH, cách tốt nhất là bệnh nhân nên đi khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe sinh sản thường xuyên để phát hiện sớm các nguy cơ thiếu hụt nội tiết tố, từ đó có kế hoạch phù hợp cho việc có thai", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Cần tránh nhầm lẫn nguyên nhân hiếm muộn và nguyên nhân rối loạn cương. Nam giới hiếm muộn và vô sinh không chỉ do các nguyên nhân tại tinh hoàn mà còn cả nguyên nhân do nội tiết, lối sống, bệnh viêm nhiễm và ống sinh tinh...