Còn khoảng một tháng nữa mới đến Trung thu nhưng thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp với rất nhiều chủng loại sản phẩm, đa dạng về hương vị, mẫu mã. Một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Bà Triệu, Thanh Nhàn, Thụy Khuê, Ngụy Như Kom Tum, Trần Thái Tông… đã xuất hiện các kiot bán bánh Trung thu với các thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, số lượng người mua là không nhiều.
Bất chấp những dự đoán về tình hình kinh tế khó khăn trong năm nay, các thương hiệu đều tăng số lượng bánh tung ra thị trường. Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lê Ngọc Huy – Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, cạnh tranh các hãng rất gắt gao nhưng với lợi thế là đơn vị sản xuất đã có uy tín ở Thủ đô nên Công ty dự kiến đưa ra sản lượng tăng 10% so với năm trước”.
Một thương hiện bánh kẹo lớn khác là KIDO cũng dự kiến đưa ra thị trường số lượng lớn, khoảng 450 triệu tấn bánh. Bibica cũng tăng sản lượng 20% so với năm ngoái, dự kiến khoảng 600 tấn bánh Trung thu các loại.
Mặc dù tăng sản lượng nhưng đa số các nhãn hàng đều trong tình trạng lo lắng về sức tiêu thụ do các dự báo ảm đạm về thị trường và giá tăng do nguyên liệu đầu vào tăng. Khảo sát quanh Hà Nội, hầu hết nhãn hàng đều tăng giá so với năm ngoái dù không tăng quá nhiều, tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng/cái. Bánh trung thu Kinh Đô truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ,… giá niêm yết khoảng 55.000-65.000 đồng/cái. Với Bibica, dòng bánh phổ thông có giá dao động từ 44.000-140.000 đồng/cái.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Ngọc Huy cho biết, trong nỗ lực bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng, chỉ có rất ít sản phẩm tăng khoảng 3% do nguyên liệu đầu vào tăng. Dòng sản phẩm truyền thống tiếp tục được đẩy mạnh vì đây vốn là thế mạnh của công ty. Tuy nhiên, để thúc đẩy doanh thu, công ty cũng tăng cường các chiến dịch marketing thông qua việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu ở các kênh thương mại điện tử bên cạnh các kênh truyền thông khác như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, Kios, tạp hóa, siêu thị,…
Bên cạnh đó, do sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng nên các thương hiệu cũng tập trung vào những doanh bánh có nhân mới lạ, ít ngọt… bao bì cũng được thiết kế độc đáo đề cao tính thẩm mỹ. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các hãng lớn như Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Đồng Khánh… đã đưa ra thị trường các sản phẩm bánh Trung thu với nhiều hương vị, mẫu mã bao bì độc đáo.
Việc người tiêu dùng hướng đến những mẫu bánh độc đáo, tốt cho sức khỏe, bánh trung thu handmade cũng được chào bán trên nhiều kênh. Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, bánh trung thu handmade được bày bán đa dạng về mẫu mã và kích thước. Tuy nhiên, số lượng người mua cũng không nhiều.
Chị Phan Lê Hạnh chủ sở hữu cơ sở làm bánh lâu năm tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội chia sẻ với Người Đưa Tin: “Khách mua bánh trung thu handmade đã sụt giảm trong những năm qua nhưng chất lượng bánh ngày càng tăng. Hiện tại, bánh trung thu handmade được bán quanh năm nên vào chính vụ cũng không có sức bật quá mạnh”.
Theo chị Hạnh, dòng bánh trung thu handmade được khách hàng lựa chọn là vì không chất bảo quản, không chất phụ gia và luôn luôn tươi. Bên cạnh lợi thế về an toàn thực phẩm, một yếu tố khác giúp bánh handmade có được phân khúc khách hàng riêng chính là mẫu mã đẹp. Những mẫu bánh hiện đại được ưa chuộng. Với hình ảnh đẹp, thiết kế độc đáo những mẫu bánh này rất bắt mắt, lịch sự và sang trọng nên phù hợp để làm quà tặng.
Siết chặt quản lý chất lượng
Triển khai chương trình công tác trọng tâm năm 2023 và thực hiện Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 20/7/2023 của UBND Thành phố về tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn thành phố năm 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xây dựng và ban hành “Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát, thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu năm 2023”.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, mục đích của kế hoạch nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh bánh Trung thu. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9/2023.
Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu để sản xuất, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu.
Đối tượng, địa bàn kiểm tra là các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo, bánh Trung thu trên địa bàn thành phố; các cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm; sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu.
Trong đó, chú trọng tập trung vào kiểm tra sản phẩm bánh Trung thu và nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì,… khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu...
Đối với nội dung kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận. Kiểm tra hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá (bánh, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em), phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
HẢI NAM