Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo Đánh giá chương trình thí điểm bảo tồn voi rừng theo hướng chung sống hài hòa, do UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp Cục Lâm nghiệp và tổ chức Humane Society International (HIS) tổ chức trong hai ngày 30 và 31-8.
Quần thể voi rừng khỏe mạnh
Theo báo cáo, trong vòng 40 năm qua, voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm mạnh, từ khoảng 2.000 con còn 100-130 con. Trong đó, Đồng Nai là nơi sống của quần thể voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước.
HSI đã thực hiện chương trình giám sát voi rừng bằng bẫy ảnh tại Đồng Nai, xây dựng một cơ sở dữ liệu định dạng từng con voi được ghi nhận. Mỗi con voi đều có thẻ định dạng riêng gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt giữa các cá thể, đặc điểm thể trạng…
Trong một năm qua, bẫy ảnh đã thu được hơn 450.000 ảnh, bao gồm khoảng 16.000 ảnh liên quan đến voi rừng.
"Nhờ nguồn dữ liệu từ các bức ảnh, video về voi hoang dã ở Việt Nam với độ chi tiết chưa từng có, các nhà nghiên cứu ước tính số lượng voi tại Đồng Nai trên thực tế cao gấp đôi số liệu đã được ghi nhận trước đây. Nghĩa là 25-27 cá thể thay vì 14 cá thể", đại diện HIS cho biết.
Theo TS Pruthu Fernando - giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển voi của Sri Lanka - trưởng nhóm hỗ trợ bảo tồn voi cho Việt Nam của IUCN AsESG, dự án mới được triển khai trong một năm, trước đó chưa có số liệu để tham chiếu.
Do đó, không thể chắc quần thể voi ở Đồng Nai chỉ có 27 con, cần tiếp tục kéo dài bẫy ảnh lâu hơn để xác định tổng đàn và sinh cảnh đàn voi.
Cũng theo HSI, đàn voi rừng ở Đồng Nai là quần thể khỏe mạnh với điểm trung bình thể trạng đạt 8 điểm (điểm cao nhất ở khung thể trạng tốt). Điều này cho thấy sinh cảnh của voi rừng ở Đồng Nai rất tốt.
HSI đánh giá kết quả khả quan tại Đồng Nai là tín hiệu tốt và cho rằng số lượng voi rừng tại Việt Nam có thể cao hơn hiện tại, khi dự án được áp dụng mở rộng ở các tỉnh có voi phân bố tại Việt Nam.
Nguy cơ sinh sản đồng huyết?
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Phi - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết thực hiện quyết định của Thủ tướng, năm 2013 tỉnh đã phê duyệt dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2014-2020.
Đến nay, dự án đã cơ bản đạt được bốn mục tiêu cụ thể gồm: bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục bảo vệ nguồn gene động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi…
Việc xây dựng 75km hàng rào điện đã phát huy tác dụng, ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người. Người dân được bảo vệ tính mạng và tài sản, yên tâm sinh sống và sản xuất.
Song, ông Phi bày tỏ lo lắng về khả năng đồng huyết của quần thể voi ở Đồng Nai. Tuy nhiên, TS Pruthu Fernando cho rằng quần thể voi rừng Đồng Nai quy mô 20-30 con, nguy cơ đồng huyết phải 100 năm nữa mới có thể xảy ra.
Ngược lại, với quy mô quá nhỏ, nguy cơ tuyệt chủng đáng lo hơn sinh sản đồng huyết. "Trước mắt cần lo chuyện bảo tồn quần thể sống đủ lâu, đủ đông mới lo tới chuyện đồng huyết", TS Pruthu Fernando chia sẻ.
Chùm ảnh đàn voi rừng ở Đồng Nai (ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, Cục Lâm nghiệp và Tổ chức HSI cung cấp):
Đàn voi rừng khoảng 10 - 12 con ra bìa rừng kiếm ăn được người dân quay clip lại nhận được sự quan tâm của nhiều người.