Ngày 30-8, Ngân hàng Nhà nước đã công bố thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào ngân hàng đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỉ đồng.
Tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng
Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỉ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái.
So với tháng 5, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỉ đồng. Còn so với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỉ đồng.
Còn tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng đã lấy lại mốc của cuối năm ngoái sau 5 tháng giảm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thống kê, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỉ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, người dân, nhất là dân cư vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng. Vì họ thấy không chỉ an toàn mà còn được trả tiền lãi.
Đặc biệt, tiền gửi của dân cư tháng 6 tăng so với tháng 5 đã cho thấy điều đó, dù trước đó nhiều người dự báo lượng tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm từ tháng 6. Bởi thị trường chứng khoán sôi động trở lại và lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm.
Lãi suất huy động giảm sâu
Trong khi đó, trái ngược với lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tăng, lãi suất huy động lại tiếp tục giảm sâu. Đến nay, trên thị trường, gần như không có ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất huy động 7%/ năm cho kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng cũng chỉ còn 6% -6,5%/ năm.
Riêng 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn 5,8%/năm. Còn kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng quanh mức 4-5%/năm.
Như vậy, so với hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm 3-4%/năm tùy theo ngân hàng và kỳ hạn.
Còn đối với hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khá khiêm tốn, tính đến cuối tháng 7 tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Dù các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, nhưng do nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức nên hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn có cổ phần của nhà nước chia sẻ, ngân hàng đang rất khó khăn vì không cho vay ra được. Trong khi, người dân đến gửi tiền tiết kiệm, ngân hàng không được từ chối.
Đây là áp lực rất lớn đối với ngân hàng khi tiền gửi tiết kiêm thì tiếp tục "đổ" vào ngân hàng, còn tiền cho vay ra thì tăng chậm. Thậm chí nhiều khách hàng không vay mới mà còn trả nợ cũ trước hạn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, không chỉ lãi suất huy động giảm mạnh mà lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, chưa kể nhiều ngân hàng thương mại cũng công bố các gói ưu đãi lãi suất nhằm nỗ lực bơm vốn vào nền kinh tế.