Theo thông báo của Bộ Ngoại giao ngày 30-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dành thời gian bốn ngày ở Indonesia cho Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan từ ngày 4 đến 7-9.
Đây là chuỗi sự kiện lớn cuối cùng trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 do Indonesia đảm nhiệm. Lễ trao lại chiếc búa Chủ tịch ASEAN 2024 cho Lào dự kiến cũng sẽ được tổ chức trong dịp này.
Chuỗi hội nghị bao gồm hội nghị cấp cao giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với từng đối tác của khối và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo lãnh đạo 22 nước và một số tổ chức quốc tế sẽ tham dự chuỗi hội nghị lần này.
Trong đó có hai quốc gia khách mời là Bangladesh (Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương - IORA) và Quần đảo Cook (Chủ tịch Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương - PIF).
Theo bà Retno, điều này đưa chuỗi hội nghị lần này trở thành sự kiện lớn nhất từng được tổ chức với sự tham gia của ASEAN 11, cùng với nhiều nước thành viên EAS. Thành phần tham dự nói trên cũng thể hiện cách tiếp cận bao trùm được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Nước chủ nhà Indonesia cũng công bố bốn trọng tâm chính của chuỗi hội nghị. Đó là thiết lập nền tảng cho tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Chủ tịch ASEAN năm 2023 sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) nhằm khuyến khích hợp tác, chuyển từ trọng tâm hợp tác về an ninh trước đây sang hợp tác cụ thể trong lĩnh vực kinh tế.
AIPF sẽ tập trung thảo luận ba lĩnh vực chính, bao gồm cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, số hóa và công nghiệp sáng tạo, và nguồn tài trợ.
Dù đã ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng với ASEAN đó mới chỉ là sự bắt đầu. Nhiều dự định vẫn đang trong quá trình hiện thực hóa, cùng với đó là những thách thức đến từ trong và ngoài khối.