Tăng kiểm tra, lấy mẫu bánh trung thu để kiểm nghiệm
Tin tức từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết ban vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2023 trên địa bàn TP.HCM.
Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 10-9, các đoàn kiểm tra của ban sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tăng kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Trung thu.
Theo đơn vị này, năm nay sẽ tập trung kiểm tra các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp này như bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, các loại bánh trung thu, sản phẩm từ bột; chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh; lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm, bánh trung thu lưu thông trên thị trường; kiểm soát chặt chẽ hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
Theo ghi nhận, thời điểm này bánh trung thu đã được bày bán khá nhiều, đặc biệt các sản phẩm bánh "nhà làm" thường không nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng... đang được rao bán khá đa dạng trên các chợ mạng.
Cà Mau đầu tư hơn 219 tỉ đồng, nâng sản lượng cua lên 29.000 tấn
Cà Mau phê duyệt đề án phát triển bền vững nghề cua với kinh phí hơn 219 tỉ đồng, nâng diện tích nuôi cua lên 265.000ha. Sản lượng cua đạt hơn 29.000 tấn vào năm 2030.
Ngày 30-8, tin tức từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển bền vững nghề cua đến năm 2030.
Đề án hướng đến khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất và tiêu thụ cua theo hướng bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu của đề án đến năm 2030, tỉnh Cà Mau phát triển ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000ha, năng suất bình quân đạt 110kg/ha/năm. Sản lượng cua toàn tỉnh đạt 29.000 tấn.
Năng lực sản xuất cua giống trong tỉnh đạt khoảng 1,4 tỉ con/năm, đáp ứng đủ 100% nhu cầu thả nuôi của người dân trên toàn tỉnh.
Tỉ lệ xuất khẩu đạt từ 35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh. Cà Mau quyết tâm hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt khoảng 30%.
Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 219 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 111 tỉ đồng, còn lại là vốn ngoài ngân sách được huy động từ các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cả nước hơn 66.000 ca sốt xuất huyết
Tin tức từ Bộ Y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam.
Theo báo cáo của các địa phương trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 14 bệnh nhân tử vong. Số ca sốt xuất huyết tập trung tại Hà Nội với 5.190 ca và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như TP.HCM là 8.628 ca.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định số ca sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tháng 6 và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Cục dự báo thời gian tới số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết, hạn chế tử vong.
Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.
Cảnh báo tự tiêm canxi ở nhà gây hoại tử da
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận nữ bệnh nhân 43 tuổi (trú tại Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng khó thở, người mệt mỏi, chân và tay có nhiều nốt hoại tử.
Gia đình cho biết bệnh nhân có tiền sử mổ tuyến giáp năm 2016, sau mổ bệnh nhân thường xuyên bị hạ canxi với các triệu chứng co quắp cơ tay chân và người yếu mệt, chóng mặt.
Bệnh nhân đã mua canxi về để tự tiêm, do không biết và không tìm được ven nên đã tự tiêm vào bắp, các cơ ở chân, tay.
Sau tiêm, các nốt tiêm xuất hiện đốm đỏ nâu, thâm đen, dần dần các nốt tiêm đã hình thành các nốt sẹo, hoại tử chi chít ở tay và chân.
Theo các bác sĩ bệnh viện, việc tự tiêm canxi vào cơ có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, với nhiều rủi ro lớn như vi khuẩn xâm nhập vào gây viêm nhiễm, viêm tắc mạch máu, hoại tử mô. Thậm chí, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Trước đó, năm 2019 cũng có một bệnh nhân tại Nam Định truyền canxi tại nhà gặp biến chứng gây hoại tử tay, sau đó bệnh nhân đã cắt bỏ phần chi.
Bác sĩ khuyến cáo canxi dạng tiêm cần được tiêm vào tĩnh mạch, không được tiêm bắp hay dưới da, phải đúng liều lượng cần thiết và phù hợp với từng thể trạng của người bệnh. Không nên tự ý tiêm hoặc uống canxi nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Tin tức đáng chú ý: 8 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm hơn 62 tỉ USD; TP.HCM tổ chức lễ hội ẩm thực; Khảo sát lắp hệ thống chạy thận cho Cần Giờ; Bắt được cá sấu nổi trên sông ở Phước Long, Bạc Liêu...