Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng thời gian qua nhiều công ty tài chính gặp khó kể từ dịch COVID-19 và những tác động do ảnh hưởng kinh tế khó khăn. Đã qua thời "gà đẻ trứng vàng", không ít công ty tài chính phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, thậm chí lỗ nặng trong nhiều quý liên tiếp.
Sẽ có thêm thương vụ tỉ USD?
Những ngày gần đây, giới tài chính xôn xao trước thông tin trên báo chí nước ngoài rằng Kasikornbank (KBank) - ngân hàng (NH) lớn thứ 2 của Thái Lan - đang đàm phán để mua lại Công ty Tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận có giá trị lên tới 1 tỉ USD, với mục tiêu giúp KBank mở rộng hoạt động tại Việt Nam. NH này hiện có tổng tài sản trị giá 119,7 tỉ USD, chỉ đứng sau NH Bangkok tại Thái Lan. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn thứ 2 trong ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ bán 1,5 tỉ USD cổ phần của VPBank cho SMBC của Nhật Bản vào tháng 3-2023.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 30-8, Home Credit Việt Nam cho biết không bình luận về thương vụ này, vì đây là thương vụ của công ty mẹ Home Credit Group.
Home Credit là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam. Bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008, Home Credit hiện có 6.000 nhân viên phục vụ 12 triệu khách hàng. Bên cạnh các khoản vay tiền mặt, công ty còn cung cấp khoản vay trả góp để mua xe máy và hàng tiêu dùng…
Một thương vụ M&A khác trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đang tiến hành các thủ tục chuyển đổi, khi tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan là Krungsri Bank mua lại công ty tài chính của SHB (SHB Finance). Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó NH SHB sở hữu 50% và 50% còn lại thuộc sở hữu của Krungsri Bank. Theo thỏa thuận ký vào tháng 8-2021, SHB sẽ chuyển nhượng một nửa vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri Bank và tiếp tục chuyển nhượng phần vốn còn lại sau 3 năm.
Theo công bố của Công ty Tài chính FE Credit tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), mức lỗ sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2023 của công ty tài chính này lên tới 2.996 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 144 tỉ đồng. Nguyên nhân thua lỗ là do tỉ lệ nợ xấu tăng vọt. Tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau dịch COVID-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến đã ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Công ty CP Tài chính Tín Việt (VietCredit) cũng lỗ 73,6 tỉ đồng trong giữa niên độ năm 2023, thay vì lãi 42,5 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tổng thu nhập hoạt động trong nửa đầu năm của VietCredit chỉ đạt 594,6 tỉ đồng, thay vì 700 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng lên 397 tỉ đồng.
Thị trường sẽ tiếp tục thanh lọc
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều nhân viên và đại diện lãnh đạo một số công ty tài chính cho hay chưa bao giờ hoạt động tài chính tiêu dùng ở phân khúc này lại gặp khó khăn như hiện nay. Kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng kém khiến nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm mạnh trong khi những khoản dư nợ cũ thì khách vay không trả được.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), nhận định thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch COVID-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ. "Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Nhưng vừa qua xảy ra tình trạng cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao" - ông Hùng nói.
Tỉ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Theo số liệu của VNBA công bố, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với thời điểm cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. "Bức tranh thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu không có chế tài với khách hàng vay không trả nợ. Công ty tài chính sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô vì không dám cho vay, chỉ cho vay những khách hàng đạt chuẩn, đủ điều kiện" - ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích thị trường cho vay tiêu dùng gặp khó khăn một phần vì dịch COVID-19, phần khác do các công ty tài chính phải cạnh tranh và chia sẻ thị phần với NH thương mại cũng đang đẩy mạnh phân khúc bán lẻ hay các công ty fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending). Chưa hết, rủi ro tăng cao trong hoạt động thu hồi nợ. Cho vay được nhưng thu hồi nợ gặp khó khăn buộc các công ty phải tự cứu bằng cách kiểm soát đầu vào khách vay chặt hơn, đồng nghĩa với việc một lượng khách có nhu cầu vay nhưng không đủ chuẩn khó tiếp cận. "Thị trường sẽ tiếp tục có sự thanh lọc những công ty tài chính, đây cũng là đòi hỏi tất yếu sau một giai đoạn lĩnh vực này bùng nổ. Nhu cầu vay tiêu dùng vẫn rất lớn nhưng công ty tài chính cần thẩm định kỹ, chỉ cho vay những khách hàng có khả năng trả nợ. Mở rộng đối tượng vay nhưng nợ xấu cao sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên, người trả nợ đúng hạn sẽ phải gánh lãi suất cho cả những người không trả được, không phải chiến lược tốt ở hiện tại" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Đề xuất xử phạt người vay chây ì
VNBA kiến nghị NH Nhà nước xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Cụ thể, quy định tỉ lệ nợ xấu chuẩn cho công ty tài chính ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm. Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất cần nghiên cứu ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay; chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ì trả nợ...
Xem thêm: mth.8271801203803202-gnav-gnurt-ed-ag-ioht-auq-gnud-ueit-yav-ohc/et-hnik/nv.moc.dln