Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân gặp biến chứng nhiễm trùng, có ổ áp xe sau khi tiêm filler trẻ hóa khuôn mặt.
"Bệnh nhân bị nhiễm trùng Klebsiella. Các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch ổ áp xe, khâu đóng vết thương. Tuy nhiên, bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý, có thể sẽ để lại di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần", bác sĩ Lưu Phương Lan - Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho hay.
Theo các chuyên gia, nhiễm trùng vi khuẩn Klebsiella trên da có thể gây viêm mô tế bào, viêm cơ, hoại tử với một số biểu hiện như sốt, sưng đỏ, đau đớn tại vết thương. Ở một số ít trường hợp, vi khuẩn Klebsiella cũng có thể tấn công vào não gây ra chứng viêm màng não hoặc viêm màng bao phủ não, viêm tủy sống...
Theo bác sĩ Lan, để phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler (chất làm đầy), đầu tiên cần đảm bảo sản phẩm filler được chứng nhận bởi FDA.
Đặc biệt, người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, phát hiện và xử trí biến chứng.
Trước khi tiêm, khách hàng cần được thảo luận về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn để không bị lợi dụng hoặc lạm dụng tiêm các chất làm đầy.
Bác sĩ Lan thông tin thêm: tiêm chất làm đầy da là một trong những thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong da liễu thẩm mỹ.
Thế nhưng sự gia tăng số lượng tiêm filler cũng đồng thời làm gia tăng số lượng biến chứng. Filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lạm dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử,…
Tin vào quảng cáo, nhiều chị em gặp họa khi tiêm filler chui và tiêm vào những vị trí không được phép tiêm theo khuyến cáo.