Ban tổ chức tọa đàm tặng hoa cho đại diện các trường đại học - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 31-8, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Cơ hội nào với nguyện vọng bổ sung?" với nhiều chuyên gia từ các trường đại học, giải đáp nhiều thắc mắc về đợt xét tuyển bổ sung cho các thí sinh.
Tỉ lệ thí sinh từ chối nhập học đại học cao
TS Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo và công tác sinh viên, Trường đại học Hùng Vương - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo và công tác sinh viên, Trường đại học Hùng Vương - thông tin đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ nhập học trên hệ thống của trường khoảng 70%.
Tỉ lệ nhập học trực tiếp ở trường chênh lệch khoảng 10% so với nhập học trên hệ thống. Nhà trường đã gọi điện thoại liên lạc cho các thí sinh, một số em cho biết dù đã xác nhận trên hệ thống nhưng giờ đã… đổi ý nên không đến nhập học trực tiếp tại trường.
"Ngay sau khi lọc ảo, trường công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung là 656. Tuy nhiên, do tỉ lệ xác nhận nhập học thực tế sẽ có "hao hụt" nên sau 17h ngày 8-9, trường sẽ đưa ra chỉ tiêu xét tuyển bổ sung mới, dự kiến số lượng sẽ tăng.
Trường sẽ tuyển bổ sung cho 13 ngành học bằng 3 phương thức, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ lớp 12 và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM", bà Bình nói.
ThS Trương Quang Trị - phó trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - Ảnh: DUYÊN PHAN
Còn theo ThS Trương Quang Trị - phó trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - hiện tại lượng nhập học của trường đang trên 50%. Nhìn chung, tốc độ nhập học có độ trễ.
Khi tìm hiểu từ thí sinh, trường nhận thấy một số em ở xa chưa đến làm thủ tục nhập học vì nghĩ rằng chưa nhận giấy báo nhập học bản giấy thì băn khoăn không biết có được đến trường hay không.
Tuy nhiên, ThS Trương Quang Trị lưu ý khi đã được trường gửi giấy báo nhập học online, qua email hay Zalo, là hoàn toàn đã có thể nhập học. Một số thí sinh ở vùng xa nếu chờ giấy nhập học bản giấy sẽ có thể bị trễ nhịp.
"Nhà trường luôn có số hotline để các em gặp bất cứ khó khăn gì trong khi nhập học sẽ có thể gọi điện ngay để được giải đáp", ông Trị nói.
Về xét tuyển bổ sung, Trường đại học Nguyễn Tất Thành dự kiến sẽ công bố tuyển 3.000 chỉ tiêu nguyện vọng cho tất cả chuyên ngành. Dự kiến trường sẽ lấy điểm chuẩn bổ sung cho hầu hết các ngành bằng với điểm đợt 1.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của trường đạt khoảng 80%, theo TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo nhà trường.
"Con số 20% từ chối nhập học cũng là số lượng lớn. Mặc dù các trường đã thực hiện tốt công tác lọc ảo, tư vấn tuyển sinh nhưng thực tế nhiều em vẫn từ chối nhập học vì chưa vào được ngành mình mong muốn" - ông Nhân nói.
TS Nguyễn Trung Nhân thông tin thêm trong thời gian tới trường sẽ công bố tuyển bổ sung khoảng 200 chỉ tiêu cho 10 ngành, trong đó tập trung vào những nhóm ngành môi trường, xây dựng, dinh dưỡng, khoa học thực phẩm, công nghệ kỹ thuật nhiệt, nhóm ngành hóa. Mỗi ngành sẽ tuyển bổ sung từ 10-30 chỉ tiêu.
Điểm chuẩn đợt bổ sung ra sao?
TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân - cho biết hiện tại các trường đại học đang bước vào giai đoạn cuối của đợt xác nhận nhập học. Đến 17h ngày 8-9 là hạn cuối xác nhận nhập học đợt 1 cho các trường.
Sau giai đoạn này, Trường đại học Duy Tân sẽ tuyển bổ sung khoảng 600 chỉ tiêu cho gần 40 ngành học của trường. Một số ngành như kiến trúc, công nghệ tuyển hơn 10 chỉ tiêu mỗi ngành. Các ngành như công nghệ phần mềm, kinh tế, y khoa sẽ tuyển dưới 10 chỉ tiêu mỗi ngành.
Phương thức tuyển đợt bổ sung tương tự như xét tuyển đợt 1, bao gồm xét điểm kỳ thi THPT, xét kết quả học tập THPT và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội. Điểm trúng tuyển của đợt bổ sung dự kiến sẽ bằng với điểm trúng tuyển đợt 1, tối thiểu là 18.
ThS Trương Quang Trị - phó trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - cho hay trường dự kiến sẽ lấy điểm chuẩn bổ sung cho hầu hết các ngành bằng với điểm đợt 1. Riêng ngành y khoa, điểm chuẩn đợt bổ sung sẽ tăng từ 23 đến 23,5 ở hình thức xét điểm thi THPT, và tăng từ 8,3 lên 8,4 ở phương thức xét học bạ.
ThS Ngô Trí Dũng - giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng - Ảnh: DUYÊN PHAN
ThS Ngô Trí Dũng - giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng - nói sau khi lọc ảo, trường xác định được tỉ lệ thí sinh trúng tuyển bằng 80% so với chỉ tiêu được giao.
Về tỉ lệ nhập học, số xác nhận nhập học với nhóm ngành khoa học sức khỏe 70-75% tùy ngành. Các ngành khoa học xã hội, ngôn ngữ đạt tỉ lệ nhập học từ 65-75%.
Trường đã công bố tuyển bổ sung ngay sau ngày 24-8. Điểm trúng tuyển sẽ bằng mức điểm trúng tuyển của các ngành đợt 1. Vì vậy, nếu thấy yêu thích một ngành và điểm mình đã đậu, các thí sinh có thể đăng ký ngay.
TS Nguyễn Văn Khả - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công Thương TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại Trường đại học Công Thương TP.HCM, hiện số lượng xác nhận nhập học của trường đạt trên 90%. Trong đó, khoảng 80% thí sinh đã đến trường trực tiếp làm thủ tục nhập học. TS Nguyễn Văn Khả - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, nói trường dự kiến sẽ thông tin tuyển bổ sung cho 33 ngành.
Những nhóm ngành được tuyển bổ sung với số lượng nhiều chủ yếu rơi vào nhũng ngành khó tuyển, như thủy sản, môi trường, an toàn thực phẩm…, tổng cộng có khoảng 10 ngành với 300 chỉ tiêu.
Hiện trường đã nhận được khoảng 200 hồ sơ nộp xét tuyển bổ sung. Điểm chuẩn sẽ lấy bằng điểm sàn, trừ ngành an toàn thực phẩm lấy 18 điểm.
Ông Lê Anh Tuấn - phó tổng giám đốc khối giáo dục Hùng Hậu, Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Học cao đẳng, được không?
Ông Lê Anh Tuấn - phó tổng giám đốc khối giáo dục Hùng Hậu, Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn - cho biết ngoài hướng đi đại học, các thí sinh có thể cân nhắc một số con đường mới, xuất phát từ hệ cao đẳng. Chẳng hạn, Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn và Trường đại học Văn Hiến đang cùng triển khai chương trình "đại học 2 giai đoạn".
Lộ trình đào tạo sẽ có điểm dừng chỉ sau 2 - 2,5 năm, sinh viên được học tại Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn và nhận được bằng cử nhân thực hành. Sinh viên sẽ được bố trí công việc ổn định.
Trong 2 năm tiếp theo, sinh viên được học tiếp đại học tại Trường đại học Văn Hiến và nhận bằng đại học chính quy. Khung chương trình đào tạo được sắp xếp phù hợp cho sinh viên có thể chủ động giữa việc đi làm và học đại học. Đồng thời chương trình sẽ có sự tương đồng để tiếp nối giữa hệ cao đẳng và đại học.
Số thí sinh được xét trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2023 chiếm 61,1% số dự thi tốt nghiệp THPT và đạt 92,7% số đăng ký xét tuyển.