Với công dụng "thần kỳ" trên, sữa này đang "làm mưa làm gió" trên thị trường một phần nhờ vào sự trợ giúp đắc lực của các nghệ sĩ quảng cáo. Vậy sự thật ra sao?
Có tiền tỉ mà bệnh cũng không thọ được đâu!
Hàng loạt website, các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube) đăng tải nhiều đoạn clip quảng cáo sản phẩm Diasure giới thiệu là sữa non dành cho người tiểu đường.
Trên một trang YouTube đăng clip livestream, nghệ sĩ Cát Tường chia sẻ quá trình ổn định đường huyết về dưới "6 chấm" nhờ uống Diasure bản cao cấp. Phía dưới livestream là số điện thoại của nhà phân phối nhấp nháy nổi bật.
Cát Tường khẳng định mình là "người quảng cáo có tâm", nội dung quảng cáo "đáng đồng tiền bát gạo", vì thế "ai không xem livestream của Tường sẽ phí cả cuộc đời".
Trong suốt clip, nghệ sĩ này liên tục đưa ra các cảnh báo như có nhiều người tiểu đường phải tháo ngón chân, cổ chân lên đến khớp háng. Bà này còn nói đã tận mắt chứng kiến có người phải cắt bỏ luôn chân để cứu mạng sống.
Mục đích cuối cùng chỉ để "chốt" câu mời gọi: "Sữa này thật sự rất có hiệu quả, Tường mới ngồi đây chia sẻ với quý vị. Uống 10 ngày dứt điểm tiểu đêm, 20 ngày hết tê bì chân tay, 40 ngày đường huyết về dưới sáu phẩy và đặc biệt sử dụng kiên trì sau hai tháng hoàn toàn không lo biến chứng tiểu đường, cũng không lo phải uống thuốc tây hoặc tiêm Insulin liên tục".
Theo nghệ sĩ này, sữa non Diasure phiên bản nano canxi do đích thân các giáo sư hàng đầu của Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu nên tuyệt đối yên tâm về chất lượng. "Đừng chần chừ gì nữa, có tiền tỉ trong nhà mà bệnh trong người cũng không sống vui sống thọ được đâu", Cát Tường thúc giục.
Trong một clip livestream khác (có cả Cát Tường), nghệ sĩ Quyền Linh liên tục quảng cáo: "Uống sữa Diasure sẽ đỡ tiểu đêm, đỡ tê bì chân tay run lẩy bẩy, không còn lo các biến chứng tiểu đường và duy trì đường huyết ở ngưỡng an toàn" và hối thúc mọi người gọi vào số điện thoại 0927.88... sẽ có nhân viên lên đơn hàng nhanh nhất, tặng nhiều ưu đãi tốt nhất cho bà con.
Sự thật về "người thật việc thật"
Trong nhiều clip giới thiệu "người thật việc thật", chúng tôi đặc biệt chú ý câu chuyện đầy bi đát của ông Nguyễn Văn Chương (58 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), làm nghề chạy xe ôm.
Đoạn clip cho biết ông này bị bệnh tiểu đường rất nặng đã biến chứng sang giai đoạn nguy hiểm, có nguy cơ bị liệt nửa người. Kèm theo đó là hình ảnh ông Chương tay chống cằm mắt nhìn xa xăm, có lúc nằm liệt giường khổ sở.
Đoạn clip cũng cho biết ông Chương đã tìm đủ mọi phương pháp điều trị từ đông đến tây y nhưng không hiệu quả. May nhờ tình cờ ông xem được nghệ sĩ Cát Tường và Quyền Linh giới thiệu sữa Diasure nên mua uống. Điều thần kỳ đã xảy ra, chỉ sau vài tháng uống sữa, ông Chương từ một người nằm liệt giường bỗng khỏe mạnh, tăng ký và chạy xe máy "phà phà".
Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Chương, từ đây "người thật việc thật" trong clip sữa Diasure dần hé lộ. Ông Chương (ngụ đường Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp) thừa nhận nội dung trong clip sữa Diasure chỉ là diễn, không có cái gì là thật cả.
Ông chỉ là "diễn viên" được thuê diễn xuất, ông cũng không phải là tài xế xe ôm và chưa từng mắc bệnh tiểu đường nặng như đoạn clip nêu.
"Cảnh nằm liệt trên giường được quay tại chung cư ở quận Tân Phú, cảnh buồn bã suy sụp quay ở công viên. Clip này có cái cắt ghép, có đoạn lấy hình ảnh cũ chứ không có bác sĩ thật nào chăm sóc cả. Hôm đó di chuyển nhiều nơi, quay cả ngày tiền công 2 triệu đồng", ông Chương nói. Ngoài đóng vai người bệnh, ông này cho biết trước đó từng được thuê đóng vai... bác sĩ.
Sau khi đoạn clip này phát sóng, có nhiều người quen gọi điện hỏi thăm sữa Diasure, ông Chương nói mình thường trả lời chung chung để giữ uy tín cho mình và nhà sản xuất.
"Quảng cáo để thu hút khách hàng chứ đâu phải thánh dược, tiên dược đâu mà uống vào hết liền. Tôi chỉ nói chung chung tùy cơ địa, người hiệu quả nhanh, người hiệu quả chậm, chứ nói tốt quá anh em bà con biết người ta chửi mình thì sao, nói không tốt cũng ảnh hưởng đến nhà sản xuất, phân phối", ông Chương nói.
Sản phẩm dinh dưỡng quảng cáo như... thần dược
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sữa Diasure được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xác nhận là "thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Diasure" do Công ty cổ phần thực phẩm Nanofood (địa chỉ thôn Đồng Vàng, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) sản xuất.
Từ ngày 13-3-2021 đến 19-3-2022, sữa này được Công ty TNHH kinh doanh và công nghệ Diamond Việt Nam (ngõ 112 đường Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Đống Đa, Hà Nội) nộp hồ sơ tự công bố bốn lần với tên là "sản phẩm dinh dưỡng Diasure".
Như vậy, có thể thấy Diasure chỉ là sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, không phải là sữa non ngăn ngừa tiểu đường như các clip quảng cáo.
Tuy vậy, N. - giới thiệu là nhân viên phân phối sản phẩm của Diasure - "nổ" sữa non tiểu đường Diasure có tính năng điều tiết lượng đường trong cơ thể. Giá một hộp 890.000 đồng/loại 850gram, nếu mua ba lon sẽ được tặng một hộp giấy 450gram.
Người này còn khẳng định nghệ sĩ Quyền Linh, Cát Tường đều đã uống, đồng thời giới thiệu các giấy chứng nhận của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm từ Công ty cổ phần thực phẩm Nanofood.
"Bình thường khách uống cỡ khoảng 10 ngày sẽ giảm tê mỏi chân tay, 20 ngày giảm tiểu đêm, 30 ngày sẽ giảm tình trạng bị tiểu đường, nếu có điều kiện cứ bổ sung thường ngày, không ảnh hưởng gì cả", N. tư vấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết pháp luật quy định rất rõ những nội dung quảng cáo về hàng hóa đặc biệt, trong đó có thực phẩm. Các doanh nghiệp muốn quảng cáo thực phẩm phải có sự thẩm định nội dung của các cơ quan chuyên môn, cụ thể là cơ quan y tế, cơ quan phát hành quảng cáo và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định.
"Không có sản phẩm sữa nào chữa được tiểu đường, xương khớp hay mất ngủ. Sữa chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, chủ yếu bổ sung dinh dưỡng cho con người", vị lãnh đạo này khẳng định.
Cũng theo vị này, hiện nay việc tự công bố sản phẩm là một chính sách cởi mở cho doanh nghiệp nếu làm đúng. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở khi có nhiều doanh nghiệp công bố với cơ quan chức năng đúng nhưng đến khi quảng cáo trên mạng lại "nổ" điều trị được các loại bệnh, tiếp tay chính là các diễn viên thật.
Do đó, theo vị này, cần cơ chế, chính sách, quy định quản lý về sản xuất, kinh doanh liên quan đến sức khỏe con người.
Nghệ sĩ tiếp tay để lừa dối khách hàng
"Hiện nay đối với nghệ sĩ hoặc bất kỳ ai là người của công chúng, pháp luật không cấm làm đại sứ thương hiệu cho các sản phẩm, nhưng phải thực hiện nghiêm túc đúng nội dung quảng cáo đã được thẩm định và đúng bản chất của sản phẩm", một lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định.
Cũng theo vị này, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều văn bản gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi tiếp tay để lừa dối khách hàng.
Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nói gì?
TS Lê Trọng Lư - phó viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) - khẳng định đơn vị không cung cấp nguyên liệu và không tham gia bất kỳ công đoạn nào của quy trình sản xuất sữa Diasure.
Ông Lư nói: "Viện chúng tôi có quy trình công nghệ sản xuất vật liệu nano canxi cacbonat (hợp chất hóa học với công thức là CaCO3). Giai đoạn dịch COVID-19, do có khó khăn trong nhập nguyên liệu từ nước ngoài và biết được viện có quy trình công nghệ sản xuất vật liệu nano canxi cacbonat, đảm bảo tiêu chuẩn về độ sạch, độ tinh khiết nên Công ty cổ phần thực phẩm Nanofood liên hệ làm việc, tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nano canxi cacbonat. Hợp đồng chuyển giao bắt đầu từ tháng 3-2022 và đã kết thúc vào tháng 8-2022".
* Gần đây có nhiều quảng cáo sản phẩm sữa có sử dụng "vật liệu mới" gắn tên Viện kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, điều này xuất phát từ hợp đồng này hay còn hợp đồng nào khác?
- Chúng tôi có nhận được thông tin xuất hiện quảng cáo "chuyển giao thành công công nghệ nano canxi vào trong sữa non tiểu đường Diasure". Về vấn đề này, chúng tôi khẳng định viện không có chức năng và không cho phép sử dụng thương hiệu của viện trong quảng cáo sữa trên.
Thực tế, chúng tôi chỉ chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nano canxi cacbonat và chỉ có thể nói về nguyên liệu nano canxi cacbonat. Nội dung của hợp đồng chỉ là chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nguyên liệu nano canxi cacbonat mà thôi.
* Viện có kiểm tra xem việc thực hiện hợp đồng có đúng hay không, thưa ông?
- Quy trình công nghệ của chúng tôi chuyển giao đã hoàn thành vào tháng 8-2022 và quá trình này chúng tôi có kiểm tra các điều kiện. Việc công ty ứng dụng vào sản phẩm nào thì nằm ngoài sự hiểu biết và trách nhiệm của viện.
Theo hiểu biết của chúng tôi, để có thể ứng dụng nano canxi cacbonat vào các sản phẩm khác và đưa ra thị trường, công ty phải có trách nhiệm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; phải được các cơ quan chức năng cấp phép, chúng tôi không tham gia vào các công việc đó của công ty.
Khi biết chuyện quảng cáo không đúng sự thật, sai về sản phẩm, chúng tôi đã liên hệ để trao đổi với Nanofood về việc quảng cáo như vậy là không chính xác.
* Đến nay việc khắc phục như thế nào?
- Chúng tôi đã yêu cầu Nanofood làm việc với các đầu mối bán hàng, quảng cáo xử lý triệt để, phải gỡ bỏ các thông tin chưa đúng sự thật.
* Nhưng khi ứng dụng nano canxi cacbonat vào sản phẩm sữa, liệu có tác dụng kiểm soát tiểu đường như quảng cáo không, thưa ông?
- Canxi cacbonat là một trong những chất được sử dụng để bổ sung canxi cho người bị loãng xương. Ngoài ra, có thể sử dụng làm nguyên liệu, chất độn, phụ gia trong nhiều loại thực phẩm và mỹ phẩm khác. Tuy nhiên hoàn toàn không có tác dụng nào liên quan đến khả năng điều trị bệnh nhân tiểu đường.
Liên tục quảng cáo trên mạng xã hội: “Uống là cao, bất chấp bố mẹ thấp lùn. Uống hai ly sữa mỗi ngày, trẻ cao từ 3 - 5cm sau 3 tháng”.