Giăng bẫy để tiếp tục lừa nạn nhân
Những kẻ mạo danh cũng "rải" tin mời chào nạn nhân. Chúng tìm tới ngay chính các trang mạng "Chống lừa đảo trên mạng", "Cảnh báo lừa đảo online", "Hội bị lừa tiền - bị lừa đảo việc làm online"... - những nơi có số lượng nạn nhân tập trung nhiều - để giăng bẫy.
"Dạo này lừa đảo mạng rất nhiều, bên mình quyết định phối hợp cùng phòng an ninh mạng hỗ trợ một số nạn nhân thu hồi số tiền từng bị mất trước đó. Liên hệ trực tiếp cho mình. Không thu bất kỳ khoản phí nào", nick luật sư Luận đăng bình luận trong nhóm "Nạn nhân bị lừa tiền" trên Facebook.
Trong nhóm "Chống lừa đảo trên mạng", nick Nguyễn Ngọc Phong đăng tin: "Bên mình đang phối hợp đội IT công nghệ cao, cùng đội ngũ luật sư. Mọi người từng bị lừa đảo qua app, sàn chứng khoán, hoặc bị lừa dưới hình thức chuyển khoản nhắn tin trực tiếp cho mình. Bên mình chỉ thu phí 10% sau khi thu hồi thành công cho các nạn nhân".
Và đăng bình luận bên dưới bản tin của nạn nhân, nick Nguyễn Thị Thơm mời chào: "Anh chị nào bị lừa tiền qua mạng, bị lừa qua các sàn thương mại điện tử, bị treo tiền ở công việc làm tại nhà online thiệt hại số tiền lớn nhắn tin em. Em cũng bị hại và lấy lại được rồi".
Nick Tân black thì rao: "Mình bị lừa qua app mất 100 triệu đồng và thu hồi lại được 60 triệu đồng. Ai bị lừa qua các nền tảng khác nhau thì liên hệ mình".
Nóng lòng muốn lấy lại số tiền lớn đã mất, vì có người phải vay người thân, bạn bè thậm chí vay nặng lãi, rất nhiều nạn nhân đã "mắc bẫy" bị lừa lần thứ hai, thậm chí bị lừa số tiền còn lớn hơn lần đầu.
Lại bị dẫn dụ vào app nạp tiền
Cuối tháng 6-2023, khi tham gia mua các đơn hàng Shopee nhận hoa hồng bị lừa mất số tiền 41,35 triệu đồng, chị Đ.L.D., ở quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng), tiếp tục bị lừa lần thứ hai lên tới 167,2 triệu đồng vì tin lời luật sư "rởm" có thể giúp chị lấy lại tiền.
Đang lo lắng vì mất số tiền lớn, chị D. nhận được tin nhắn từ nick Phương Anh, một thành viên trong nhóm mua hàng. Anh nói quen luật sư từng giúp lấy lại được tiền bị mất, sau đó gửi đường link Facebook luật sư Anh Long và bảo chị D. chat để nhờ lấy lại tiền.
"Vì họ là luật sư nên tôi rất tin tưởng, họ bảo tôi làm gì thì tôi làm như vậy", chị D. kể không một chút nghi ngờ.
"Luật sư" Long bắt đầu rao giảng: Theo kết quả điều tra từ đội ngũ công nghệ cao, chị tham gia một sàn ảo của một đường dây lập trình từ bên nước ngoài với mục đích lừa đảo và rửa tiền. Tiền chị chuyển vào đường dây được chuyển cho một nền tảng cá cược trực tuyến khác để rửa tiền. Trong lúc điều tra, IT công nghệ đã phát hiện ra lỗ hổng vào lúc 14h và 20h là thời điểm có thể giúp chị thu hồi số tiền.
"Luật sư" Long hỏi chị D. có rảnh vào hai khung giờ trên hay không, rồi gửi link một app cá cược tài xỉu yêu cầu chị nạp tiền vốn tối thiểu là 500.000 đồng. "Khi chị đặt cược, đội ngũ IT công nghệ thông tin sẽ xâm nhập vào nền tảng để điều chỉnh tỉ lệ thắng cho chị, giúp thu lại số tiền đã mất..." - người này khẳng định rồi giới thiệu chị D. cho nick Thiện IT trực tiếp hướng dẫn nạp tiền.
Nick Thiện IT tiếp tục dẫn dắt: "Chị cần phải có một số vốn mới thu về hết được. Một ngày chỉ thu về 30% số tiền chị bỏ ra để tham gia thu vốn thôi. Bên em chỉ hỗ trợ cho chị 7 ngày, em lo chị không thu đủ số tiền về, chứ em cũng không ép gì cả. Cược hai bên sẽ không có bất cứ rủi ro gì. Chị nạp 1 triệu đồng/ngày thì thu về thêm 300k, nạp 10 triệu đồng thu về được 3 triệu đồng, nạp 50 triệu đồng thu về 15 triệu đồng/ngày.
Nếu chị có vốn thu toàn bộ số tiền trước 7 ngày, thừa thì em có thể giúp chị kiếm thêm một khoản ở đó nữa. Đó là hệ thống rửa tiền, chị muốn lấy về bao nhiêu cũng được".
Trước 14h chiều hôm sau, Thiện IT thúc giục chị D. nạp vốn. Vì muốn lấy lại tiền nhanh, mỗi lần chị D. nạp 20 triệu đồng, tiền về trên app nhưng không rút được. Thiện IT thuyết phục: "Có thể chị điền thông tin chưa đúng, tiền về chậm".
Lần nạp số tiền lớn tới 50 triệu đồng thì chị D. nhận tin báo: "Mất hết số tiền rồi chị ơi, em chưa gặp trường hợp này bao giờ". Khi chị D. hoang mang thì Thiện IT cũng tỏ ra "hoang mang" không kém và vẫn không quên thúc giục xoay tiền để vớt vát lại vốn.
Chị D. đã dùng hết tiền dành dụm cho con đi học, mang đồ đi cầm cố, vay mượn để nạp tiền. Khi đọc được cảnh báo lừa đảo lần hai trên mạng, chị mới cay đắng biết mình tiếp tục là nạn nhân.
Giám đốc công ty luật bị tạo hàng chục Facebook giả
Nhiều tháng qua, luật sư Đỗ Anh Thắng, giám đốc Công ty Luật Asem ở Hà Nội, bị hàng trăm nạn nhân mắc lừa đảo gọi điện, nhắn tin, đến tận văn phòng trách móc. Họ báo bị nick Facebook của anh giúp lấy lại tiền nhưng lại lừa họ thêm lần nữa.
"Tôi không hiểu sao có hàng chục nick mạo danh Facebook cá nhân của tôi để đi lừa đảo bà con. Tôi đã gỡ một số nick rồi vẫn không hết. Nạn nhân liên tục đến văn phòng của tôi hỏi, có người từng bị lừa số tiền lớn", luật sư Thắng bức xúc.
Trên trang Facebook chính của luật sư Thắng đã cảnh báo một lần vào tháng 3 năm nay, tới tháng 6 anh lại cảnh báo một lần nữa vì nhiều nạn nhân vẫn bị "dính bẫy".
"Khi tôi gõ tìm kiếm nick luật sư Đỗ Anh Thắng, có 4-5 trang Facebook cùng tên, cùng hình đại diện của tôi. Còn có nick tên tôi nhưng hình đại diện lại là người khác, hoặc hình đại diện của tôi nhưng lại lấy tên luật sư Anh Long.
Chúng giả mạo rất tinh vi. Mỗi lần tôi đăng dòng trạng thái, hình ảnh đi công tác thì vài phút sau nick giả cũng đăng y hệt. Thậm chí phần bình luận ở dưới bài đăng cũng giống nhau" - luật sư Thắng cho biết nick giả cũng có thể tạo ra số lượng bạn bè lớn, độ tương tác rộng để dễ tiếp cận với nạn nhân.
Nói về quy định làm việc của luật sư, anh Thắng cho biết khách hàng phải tới trực tiếp văn phòng, không làm việc qua online. Luật sư không giúp được nạn nhân lấy lại tiền như đối tượng lừa đảo quảng cáo.
Luật sư Nguyễn Phi Long, cộng sự của luật sư Thắng, cũng từng bị mạo danh. Luật sư trẻ Nguyễn Minh Chiến, ở Công ty luật The Light, cũng đã đăng cảnh báo khi phát hiện Facebook bị nhóm lừa đảo mạo danh rất tinh vi.
Anh Nguyễn Dương, quản trị trang Facebook "Chống lừa đảo trên mạng", có ngày phải xóa hơn 30 nick ảo trà trộn vào nhóm để đăng tin. "Chúng mạo danh luật sư, an ninh mạng, kỹ sư công nghệ cao mời chào nạn nhân lấy lại tiền bị lừa trước đó.
Đặc điểm của các nick này là hình đại diện trai xinh, gái đẹp như nhân viên đa cấp. Đồng thời thay đổi tên và hình đại diện liên tục. Chúng thường đăng tin vào nửa đêm nên ngăn chặn không kịp. Nhiều nạn nhân đọc được cảnh báo đã tránh được bị lừa lần hai, nhưng rất tiếc cũng không ít nạn nhân bị lừa xong rồi mới đọc được cảnh báo", anh Dương nói.
Trên trang web chính thống của mình, Tập đoàn FPT, hệ thống siêu thị VinMart, Co.opmart, Điện Máy Xanh, hãng thời trang Yody, Canifa, cà phê The Coffee House... đã đăng cảnh báo họ không yêu cầu khách hàng của mình cung cấp thông tin cá nhân, không tuyển dụng online yêu cầu nạp tiền làm nhiệm vụ. Nếu khách hàng, người lao động gặp tình trạng trên thì nên đến trực tiếp văn phòng công ty hoặc gọi báo qua số hotline.
---------------------
Chỉ cần chiếc điện thoại, ngồi đâu cũng lấy được thông tin khách hàng và mỗi thông tin sẽ được trả 25.000 đồng.
Kỳ tới: Tìm thông tin nạn nhân bán cho "trùm cuối"
Một công thức chung được các nạn nhân rút ra: không gọi video + tuyển dụng qua Zalo + tải app Telegram + bắt nộp tiền trước + mua hàng làm nhiệm vụ = lừa đảo. Nếu gặp như thế, nên ngừng giao dịch, cắt liên lạc để tránh bị lừa tiền.