Đây được xem là bước đi nhanh tay nắm bắt "miếng bánh" thị phần trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh và nghệ thuật Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới yêu nghệ thuật toàn cầu.
Từ những phiên đấu giá triệu đô
Nhà đấu giá danh tiếng hàng đầu thế giới này cũng là đơn vị đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt. Đó là bức Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ - được đấu giá 3,1 triệu đô la (hơn 72 tỉ đồng) hồi tháng 4-2021, trở thành tác phẩm có giá cao nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Tháng 4-2023, tác phẩm Gia đình trong vườn của họa sĩ Lê Phổ được gõ búa với giá 2,3 triệu đô la (55 tỉ đồng). Trước đó, bức Dáng hình trong vườn cũng của Lê Phổ đạt 2,28 triệu đô la (hơn 53 tỉ đồng) trong phiên đấu giá của Sotheby's hồi tháng 4-2022.
Vài năm gần đây, còn nhiều tác phẩm của bộ tứ danh họa Việt Nam - Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm - cũng từng được đấu giá tại Sotheby's và các nhà đấu giá khác, góp vào bộ sưu tập triệu đô la cho tranh Việt, đồng thời nâng cao khối lượng giao dịch và giá trị tranh Việt Nam trên thị trường.
Cuộc chơi nghệ thuật cũng được cho là rất khó đoán trước với sự tham gia của nhiều nhà sưu tập sừng sỏ, đủ tiềm lực kinh tế để kiểm soát dòng chảy mua bán tranh.
Theo đại diện Sotheby's, thị trường châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, đã có tầm ảnh hưởng quốc tế và họ đang đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc phát triển thị trường trọng yếu này. Trong đó, Singapore và Việt Nam là hai thị trường tiềm năng nhất.
Có thể thấy rõ sự đầu tư khi Sotheby's vừa có chuỗi triển lãm và đấu giá tại Singapore vào tháng 7-2023 với các kỷ lục giá mới cho những kiệt tác đến từ Đông Nam Á, nối tiếp đó là tổ chức triển lãm tranh "Mộng Viễn Đông" từ ngày 14 đến 17-8 tại TP.HCM.
Đến sự nhanh tay nắm bắt
Diễn ra hơn ba ngày tại TP.HCM, "Mộng Viễn Đông" thu hút hơn 5.000 lượt khán giả đến thưởng lãm 57 tác phẩm của các họa sư Trường Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ hải quân và họa sĩ du hành Pháp từng sống ở Việt Nam trăm năm trước. Nhấn mạnh vào yếu tố là triển lãm phi thương mại thứ hai của nhà Sotheby's tại Việt Nam, các tác phẩm không được công bố trị giá để tập trung vào giá trị văn hóa - lịch sử.
"Trăn trở của tôi là làm thế nào để cải tiến mức độ tiếp cận nghệ thuật cho công chúng Việt Nam và làm điều đó với một công thức bền vững về mặt nhân lực cũng như tài chính cho tất cả các bên tham gia" - ông Ace Lê, giám đốc điều hành tại Việt Nam của Sotheby's, bày tỏ. Sau mỹ thuật Đông Dương, Sotheby's sẽ tiếp tục giới thiệu các lớp họa sĩ cận hiện đại, đương đại... để công chúng Việt có dịp tìm hiểu và tiếp cận sâu sắc hơn.
Trước câu hỏi liệu nhà Sotheby's có ý định mở đấu giá ở Việt Nam, ông Nathan Drahi - giám đốc điều hành Sotheby's châu Á - cười lấp lửng: "Năm 2022, ông Ace Lê là giám tuyển cho triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Năm nay, Ace Lê đã là giám đốc điều hành tại Việt Nam của Sotheby's. Điều này cho thấy chúng tôi có rất nhiều kế hoạch và cả tham vọng cho tương lai. Còn các phần việc tiếp theo, từ từ chúng tôi sẽ tiết lộ".
Bên lề triển lãm, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi kỳ vọng sau "Mộng Viễn Đông"sẽ có thêm triển lãm khác về các thế hệ họa sĩ Việt Nam. Tất nhiên không dễ để một đơn vị bỏ ra một số tiền lớn đầu tư cho những triển lãm phi lợi nhuận. Đây là một sự cho đi và nhận lại sức ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam.
Với những cơ chế đã cởi mở, chúng ta đã có những bảo tàng tư nhân, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang ngày càng nở hoa hơn. Chính vì vậy, không riêng nhà Sotheby's, chúng tôi đã nhận được nhiều lời thăm viếng từ các đơn vị khác như nhà Bonhams, Lyon & Turnbull hay Christie... cũng từng đến gặp và muốn làm việc. Nhưng có lẽ Sotheby's hùng mạnh hơn nên họ đang nhanh tay hơn.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi chia sẻ.
60 tác phẩm chưa từng ra mắt công chúng Việt của các họa sĩ Pháp tới Đông Dương trăm năm trước vừa được trưng bày tại "Mộng Viễn Đông" - triển lãm phi thương mại mới nhất của nhà Sotheby's tại Việt Nam.