Một số người sau khi mổ viêm ruột thừa thắc mắc cơn đau bụng có tái phát hay không, hoặc tin rằng bất kỳ ai cũng phải bị viêm ruột thừa một lần trong đời.
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị nội soi tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết mỗi người sinh ra đều có một đoạn ruột thừa. Chúng là một ống mỏng nối ruột già, nằm ở phần dưới bên phải bụng.
Viêm ruột thừa là trạng thái ruột thừa bị viêm, thường gặp ở độ tuổi lao động, rất hiếm gặp ở trẻ em. Không phải ai cũng bị viêm ruột thừa và người từng mổ cắt đoạn ruột thừa bị viêm thì không thể tái phát (do đoạn ruột thừa đã cắt).
Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết ruột thừa bị viêm là đau bụng. Vì đây là triệu chứng và là nguyên nhân của nhiều loại bệnh khác nhau, người bệnh có thể nhầm lẫn, dẫn đến chủ quan, kéo dài thời gian đến bệnh viện.
Tuy nhiên đau bụng do viêm ruột thừa có những dấu hiệu điển hình và theo trình tự: cơn đau khởi phát ở vùng quanh rốn hoặc thượng vị, đi kèm với buồn nôn hoặc nôn. Sau khoảng 2-12 tiếng đồng hồ, cơn đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế.
Ngoài dấu hiệu đau bụng dữ dội, người bị viêm ruột thừa còn bị sốt, buồn nôn và nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, đi tiểu nhiều hơn... Có trường hợp viêm ruột thừa khởi phát phải mất 2-3 ngày mới chẩn đoán được bệnh.
Dù là tình trạng cấp tính nhưng bác sĩ Lưu Phương cho hay thực tế vẫn còn nhiều người dân hễ bị đau bụng là tự ý đến tiệm thuốc mua thuốc về uống. Với những trường hợp viêm ruột thừa kéo dài mà không được cấp cứu kịp thời, làm đoạn ruột thừa bị vỡ, làm viêm màng bụng, gây khó khăn cho bác sĩ khi mổ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Do đó, khi thấy đau bụng, nhất là đau vùng hố chậu phải kèm sốt nghi ngờ do viêm ruột thừa, khuyến cáo người bệnh cần ngay lập tức tới bệnh viện để được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử lý can thiệp mổ kịp thời, phòng tránh biến chứng.
Nước tiểu sẫm màu, có phải mắc bệnh?
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương cho hay nước tiểu của chúng ta bình thường có màu vàng nhạt. Độ đậm nhạt của nước tiểu phản ánh qua việc chúng ta có uống đủ nước hay không. Bên cạnh đó, màu sắc của nước tiểu cũng có thể "báo động" cơ thể đang mắc bệnh nào, dùng những loại thuốc gì...
Nếu nước tiểu sậm màu, đậm đỏ nâu: chứng tỏ chúng ta uống quá ít nước, hay cơ quan thận, gan có vấn đề. Nếu nước tiểu sậm vàng đen, vàng nâu: báo hiệu có thể mắc một bệnh nguy hiểm hơn, đó là tiểu huyết sắc tố (thường gặp ở người sốt rét ác tính thể nặng).
Nước tiểu vàng đỏ, vàng cam: thường gặp ở người uống kháng sinh, đặc biệt là bệnh nhân dùng kháng sinh mạnh điều trị bệnh lao, phong.
Với người uống quá nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, 3B (cơ thể chỉ cần một lượng rất ít, chỉ uống khi thiếu trầm trọng) thì chúng sẽ đào thải qua nước tiểu còn nguyên vẹn, làm nước tiểu sậm hơn. Còn nếu uống quá nhiều vitamin C: nước tiểu có màu hơi đục, cặn lắng...
TTO - Ngày 22-7, phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Cao Minh Chu cho biết Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã họp hội đồng chuyên môn và có báo cáo gửi sở, khẳng định bác sĩ và êkip phẫu thuật làm đúng quy trình chuyên môn.