Theo Hãng tin AFP ngày 31-8, con số trên vượt xa mức 6.800 tỉ yen của năm 2023 và là mức cao nhất trong lịch sử Nhật Bản.
"Việc Nhật Bản sở hữu đầy đủ khả năng đánh chặn và tiêu diệt mọi phương tiện và lực lượng đổ bộ, không quan trọng cuộc xâm lăng đất nước chúng ta bắt đầu từ đâu, là rất cần thiết", tài liệu đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản viết.
Bộ này dự kiến chi 380 tỉ yen cho việc xây dựng hai tàu chiến mới, được trang bị hệ thống tên lửa quốc phòng Aegis do Mỹ phát triển.
755 tỉ yen khác sẽ dành cho việc củng cố khả năng quốc phòng tầm xa qua các thương vụ mua bán tên lửa. Tokyo cũng dự kiến chi 75 tỉ yen vào dự án phát triển chung máy bay đánh chặn có khả năng hạ tên lửa siêu vượt âm.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ đẩy mạnh việc mua thêm đạn dược, cải thiện năng lực phòng thủ không gian mạng, tác chiến không gian và phát triển năng lực sử dụng thiết bị không người lái (drone).
Đề xuất ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng.
Ngày 28-7, Tokyo công bố Sách trắng quốc phòng thường niên, trong đó nêu rõ Trung Quốc và Triều Tiên là những mối nguy lớn đối với an ninh nước này.
Nhật Bản giữ thái độ cảnh giác với nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như đề phòng viễn cảnh Bắc Kinh dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan.
Cùng lúc, Tokyo cũng thường xuyên chỉ trích việc Triều Tiên bắn thử tên lửa hạt nhân. Khả năng Bình Nhưỡng tiến hành thử vũ khí hạt nhân cũng thôi thúc Nhật Bản tăng chi cho quốc phòng.
Đề xuất của Bộ Quốc phòng sẽ được chuyển đến Bộ Tài chính để đưa vào đề xuất ngân sách chung, sẽ được trình Quốc hội vào tháng 1-2024.
Theo nguồn tin từ báo chí Nhật, Bộ Ngoại giao nước này đang lên kế hoạch cung cấp viện trợ an ninh cho các quốc gia cùng chí hướng, trong đó có Việt Nam.