Bộ Công an giải đáp thắc mắc của người dân về việc có xử lý hình sự đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống tổ chức, cá nhân.
Người dân phản ánh tới Bộ Công an, Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
“Vậy Bộ Công an cho tôi hỏi, trong trường hợp nào thì những hành vi vi phạm như trên bị xử lý hình sự?” - người dân thắc mắc.
Theo Bộ Công an, tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm.
Cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…
Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Theo đó, Điều 101 Nghị định 15/2020 có thể coi là một trong những bước cụ thể hóa quy định của Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 đảm bảo chặt chẽ, pháp luật điều chỉnh tất cả các hành vi có dấu hiệu phạm tội ở mức độ khác nhau.
“Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020 để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp”- Bộ Công an cho hay.
Truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ma túy
Trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai xung quanh tình hình tội phạm về ma túy ngày càng gia tăng tại các địa phương trong cả nước với số lượng ngày càng lớn, Bộ Công an cho biết đã và đang tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.
Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, tăng cường nguồn lực phòng, chống ma túy: Báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quyết định số 133/2002 ban hành Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; đề xuất xây dựng Đề án của Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và kiểm soát ma túy thẩm lậu qua biên giới...
Phối hợp các Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển rà soát, thống kê, xử lý người nghiện; đưa người nghiện đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và điều trị thay thế bằng Methadone.
Đồng thời quản lý sau cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường kiểm tra, xử lý các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như vũ trường, bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... không để tội phạm lợi dụng mua bán, sản xuất, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.
“Rà soát, triệt phá diện tích trồng cây có chứa chất ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; giải quyết, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; vận động, truy bắt đối tượng truy nã về tội phạm ma túy”- Bộ Công an cho hay.
Ngoài ra, tích cực điều tra mở rộng, truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán ma túy lớn, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự trong đấu tranh phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới và khu vực, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc, Campuchia…
Thế Kha