Theo Viện Kiểm sát, hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Trầm Bê cùng đồng phạm là chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội.
Ngày 13/8, Viện KSND TPHCM ban hành kháng nghị đối với vụ Dương Thanh Cường (cựu tổng giám đốc công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT công ty Thanh Phát) lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng đồng phạm cho vay sai gây thiệt hại mà toà cùng cấp vừa xét xử vào cuối tháng 7.
Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Về mặt dân sự, Viện đề nghị tòa buộc các bị cáo này phải liên đới cùng với Dương Thanh Cường bồi thường thiệt hại cho ngân hàng.
Kháng nghị phân tích mức án mà HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt đối với các bị cáo trên chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng Phương Nam đã vi phạm về việc cho vay gây hậu quả được xác định là hơn 505 tỷ đồng. Theo Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định về việc bồi thường và Điều 587 Bộ luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra, những người đó phải liên đới bồi thường. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường theo phần bằng nhau.
Theo Viện, việc buộc Cường phải trả 185 tỷ đồng đã chiếm đoạt và 9 bị cáo trên liên đới bồi thường 320 tỷ đồng cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) tổng cộng là 505 tỷ đồng như đề nghị của Viện Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm là phù hợp.
Cuối tháng 7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và xác định năm 2007, Dương Thanh Cường đã dùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (10,3ha đất ở Bình Chánh) thế chấp vay ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh 6 – Agribank chi nhánh 6 khoản tiền 171 tỷ đồng.
Đến năm 2008, Cường lấy cớ cần hoàn tất thủ tục sang tên khu đất cho công ty của mình nên mượn lại 23 sổ đỏ này đem sang ngân hàng Phương Nam đặt vấn đề với Trầm Bê vay rồi chiếm đoạt 185 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng Phương Nam xác định thiệt hại là hơn 505 tỷ đồng.
Trầm Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang và 7 đồng phạm khác biết rõ công ty Bình Phát của Dương Thanh Cường không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn đề xuất, phê duyệt cho vay.
Tài sản đảm bảo là 23 sổ đỏ là đất nông nghiệp, nằm trong quy hoạch, không thể sang tên cho công ty Thanh Phát (công ty khác của Cường), không đủ điều kiện nhận thế chấp; hợp đồng thế chấp không công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo, gây thiệt hại cho ngân hàng Phương Nam.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường mức án 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Trầm Bê bị tuyên phạt mức án 3 năm tù, Phan Huy Khang 2 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 1 năm 3 tháng tù đến 2 năm tù. Riêng bị cáo Trầm Viết Trung bị tuyên phạt mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bị cáo Cường có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại là 505 tỷ đồng cho Sacombank. Việc lừa đảo của Cường là nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ thiệt hại. Các cán bộ ngân hàng không có trách nhiệm bồi thường do không có căn cứ xác định họ có câu kết với Cường để hưởng lợi. Bị hại Sacombank cũng không có yêu cầu những người này phải có trách nhiệm với thiệt hại.
Trong khi đó đó, tại phiên xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Cường 18-20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Trầm Bê bị đề nghị phạt 5-7 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các thuộc cấp của ông Bê bị đề nghị 3-6 năm tù về cùng tội danh...
Hồng Lĩnh
Xem thêm: mth.50400546131800202-eb-mart-aig-iad-iov-iod-tahp-hnih-gnat-ihgn-gnahk/taul-pahp/nv.moc.irtnad